Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khắc Phục Dịch Bệnh Trên Cây Tiêu

Khắc Phục Dịch Bệnh Trên Cây Tiêu
Ngày đăng: 27/04/2014

Vụ hồ tiêu năm nay, người trồng tiêu ở huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) phấn khởi vì hồ tiêu “được mùa, được giá”. Nhiều vườn tiêu “xơ xác” bởi dịch bệnh trước đây giờ đã được “hồi sinh” nhờ được áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Công ở xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) cho biết, với 1 ha đất trồng tiêu, vụ này ông thu hoạch được gần 2 tấn, với giá bán 95.000 đồng/kg, trừ chi phí ông có lãi khoảng 120 triệu đồng. Bên cạnh niềm vui hồ tiêu “được mùa, được giá”, điều làm ông Công vui hơn là thời gian gần đây, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu đã được khắc phục.

Huyện Châu Đức hiện có 5.951 ha đất trồng tiêu, tập trung chủ yếu ở các xã: Bàu Chinh, Kim Long, Bình Giã, Quảng Thành… sản lượng đạt 6.703 tấn/năm, chiếm hơn 66% tổng sản lượng của toàn tỉnh. Hạt tiêu Châu Đức đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Nhiều năm qua, tuy giá lúc lên lúc xuống nhưng so với những cây trồng khác, cây tiêu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và trở thành một trong những loại cây công nghiệp chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện. Thế nhưng, 4 năm gần đây, dịch bệnh chết nhanh, chết chậm đã “xóa sổ” nhiều vườn tiêu trên địa bàn huyện.

Nhiều nhà vườn buộc phải phá bỏ tiêu để chuyển sang trồng loại cây khác. Dịch bệnh trên cây tiêu chẳng những làm mất đi nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân, mà còn làm cho kế hoạch xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hạt tiêu của huyện Châu Đức cũng như thương hiệu chung của tỉnh đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Xác định rõ nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh trên cây tiêu là do vào giai đoạn mùa mưa, vườn tiêu thường bị đọng nước, độ ẩm cao thuận lợi cho nấm các loại vi khuẩn phát triển và tấn công, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Đức đã cùng với bà con nông dân khảo sát, nghiên cứu các giải pháp khắc phục. Thời gian qua Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Đức đã phối hợp với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn thực hiện quy trình khảo nghiệm phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm với diện tích 2.000 m2 tại xã Bình Giã.

Mô hình này được thực hiện với các biện pháp như: Canh tác bằng cách che phủ mặt đất bằng rơm rạ, vỏ trấu, thân lạc, thân ngô hoặc để cỏ theo ý muốn; Trồng tiêu bằng nọc sống như cây lòng mức, keo, muồng đen, vệ sinh cây tiêu, nọc tiêu, vườn tiêu.

Bên cạnh đó, làm cho vườn tiêu được thoát nước tốt, tránh ngập úng đất trồng, dùng biện pháp tưới thấm thay cho phương pháp tưới thông thường, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đúng thời điểm. Qua 4 tháng thử nghiệm, vườn tiêu đã phục hồi, đạt kết quả tốt.

Từ kết quả trên, vụ tiêu 2010 - 2011, nhiều nhà vườn trồng tiêu của huyện Châu Đức đã áp dụng phương pháp này và cho kết quả khả quan, năng suất vườn tiêu tăng rõ rệt. Chị Cao Thị Ngọc Điệp ở ấp Kim Bình, xã Bình Giã cho biết, nhờ được hướng dẫn cách phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm theo phương pháp trên, đến nay vườn tiêu nhà chị đã hoàn toàn sạch bệnh. Với 1,2 ha đất trồng tiêu, vụ này chị Diệp thu được 2,2 tấn, cao gần gấp đôi so với trước, sau khi trừ chi phí chị có lãi gần 150 triệu đồng.

Những kết quả bước đầu của mô hình phòng dịch bệnh chết nhanh, chết chậm đã mở ra triển vọng cho người trồng tiêu của huyện Châu Đức nói riêng và trong tỉnh nói chung khi giá hồ tiêu đang tăng từng ngày, “cơ hội vàng” đang mở ra cho người trồng tiêu trong tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

“Vua” Của Những Nông Sản Khổng Lồ “Vua” Của Những Nông Sản Khổng Lồ

Khoai mỡ nặng từ 15 đến 60 kg, buồng chuối xiêm 40 nải, đu đủ dài quá khổ... là những sản vật vườn nhà của nông dân Nguyễn Hoàng Oanh ở tỉnh Sóc Trăng.

27/06/2013
Phòng Sâu Đục Trái Bưởi Bằng Ny-Lông Phòng Sâu Đục Trái Bưởi Bằng Ny-Lông

Trong khi sâu đục trái bưởi hiện chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, thì nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã dùng túi ny-lông bao trái, kết hợp biện pháp phòng trị tổng hợp bước đầu mang lại hiệu quả.

06/06/2013
Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình

Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.

27/06/2013
Hỗ Trợ Để Giúp Nông Dân Đứng Vững Hỗ Trợ Để Giúp Nông Dân Đứng Vững

TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Ipsard cho biết, qua kết quả điều tra từ hơn 3.000 hộ nông dân cho thấy, nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu và người nông dân là những người phát huy nội lực cao nhất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

28/06/2013
Bấp Bênh Làng Cá Khô Khoai Cái Đôi Vàm Bấp Bênh Làng Cá Khô Khoai Cái Đôi Vàm

Ở các làng nghề ven biển, nhiều bà con chuyển sang làm nghề khác do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là nghề chế biến cá khô. Riêng nghề làm cá khô khoai ở Cái Đôi Vàm 2 năm trở lại đây không còn nhộn nhịp như những năm trước.

28/06/2013