Khá Lên Nhờ Mạnh Dạn Đầu Tư

Nuôi bò sữa ở vùng ngoại thành TPHCM đạt hiệu quả khá cao. Nhưng do tốc độ đô thị hóa và lao động ngày càng khan hiếm, nên người nuôi bò sữa TP từng bước cơ giới hóa các khâu. Giờ đây, các hộ nuôi bò sữa bắt đầu thấy rõ lợi ích việc sử dụng thiết bị khâu vắt sữa.
Hiệu quả từ việc dùng máy vắt sữa đem lại sản lượng sữa tăng thêm bình quân 0,5kg sữa/con/ngày. Ông Lê Văn Trung (huyện Củ Chi) cho biết, nhờ sử dụng máy vắt sữa, không chỉ giảm được lao động mà còn bảo đảm sữa không bị lây nhiễm vi sinh, giá sữa được mua cao hơn. Với 8 bò vắt sữa thu lợi khoảng 13,4 triệu đồng/chu kỳ. Không chỉ đầu tư vào khâu cơ giới chăn nuôi, ngay cả trồng cỏ dinh dưỡng cho bò cũng được người chăn nuôi lưu tâm thay vì phải mua như trước.
Anh Phạm Văn Vũ (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) quyết định cải tạo lại chuồng trại cho thông thoáng, trang bị thêm máy vắt sữa, máy rửa thiết bị vắt, máy băm thái cỏ, xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải và làm chất đốt nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường; trồng thâm canh 1ha cỏ giống VA06 và Mulato II để cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn bò 20 con (có 10 con đang cho sữa), trung bình mỗi con cho 15kg sữa/ngày, giá bán sữa cho Công ty FrieslandCampina bình quân 10.500 - 11.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/năm/con sau khi trừ chi phí.
Chủ trại Vũ Phương Bình (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), với đàn bò hơn 100 con, đang lập dự án vay khoảng 10 tỷ đồng để cải tạo chuồng trại, lắp đặt thiết bị trộn và phân phối thức ăn hỗn hợp đến tận chuồng cho bò ăn để nâng đàn lên gấp 2 - 3 lần so với hiện nay.
Có thể nói, nghề nuôi bò sữa hiện nay gặp nhiều thuận lợi, nhất là giá thu mua sữa được điều chỉnh giúp người nuôi bò sữa lãi khoảng 20%. Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó phòng Kinh tế huyện Củ Chi nhận định, những năm gần đây nghề nuôi bò sữa phát triển mạnh, với đàn bò sữa hơn 58.000 con, trở thành huyện trọng điểm chăn nuôi bò sữa, chiếm gần 60% tổng đàn bò sữa TP. Trong chăn nuôi nói chung và bò sữa nói riêng, đầu ra ổn định lâu dài và có lợi là yếu tố rất quan trọng đối với bà con nông dân. Hai công ty Vinamilk và FrieslandCampina VN thu mua sữa nguyên liệu với giá cao, nông dân có lời, luôn ổn định, giúp bà con an tâm chăn nuôi sản xuất.
Qua thực tiễn phát triển đàn bò sữa của các hộ tham gia thực hiện mô hình “chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh” tại xã Trung An, An Nhơn Tây, Phước Thạnh, Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi) do Trạm Khuyến nông Củ Chi triển khai, cho thấy ngoài việc tăng cường chọn lọc, cơ cấu giống tốt thì việc cơ giới hóa khâu quản lý chăm sóc nuôi dưỡng đàn bò được nông dân tìm hiểu và hưởng ứng nhiệt tình.
Với giá thu mua sữa tươi nguyên liệu ở mức từ 13.000 đồng đến gần 15.000 đồng/kg, người nuôi bò sữa yên tâm với nghề chăn nuôi của mình.
Có thể bạn quan tâm

Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) Nguyễn Thành Nhơn cho biết vụ xoài thu hoạch sớm năm nay nguồn cung không đủ cầu và có giá cao kỷ lục.

Thực hiện chuyển đổi giống cây trồng trên vùng đất sản xuất kém hiệu quả, đang được người dân các địa phương trong tỉnh quan tâm áp dụng. Mới đây người dân thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã thử nghiệm trồng giống táo dây xanh trên vùng đất khô hạn, bạc màu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ.

Cam Lộ (Quảng Trị) là một huyện trung du, có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thủy văn và các vùng sinh thái khác nhau thích ứng cho quá trình đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó lợi thế nhất là đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thực tế trong những năm qua, với sự tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh, nông dân trong huyện đã khai thác được thế mạnh về đất đai và lao động đưa lại hiệu quả khá cao trong sản xuất cây công nghiệp ngắn, dài ngày và chăn nuôi trâu bò đàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết thành phố vừa phê duyệt Dự án Trung tâm nghề cá ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.

Do hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa vụ xuân hè không cao nên nhiều hộ gia đình ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... đã thay thế vụ lúa xuân hè hoặc hè thu sớm bằng một vụ đậu nành sau khi thu hoạch lúa đông xuân.