Kết thúc đàm phán TPP lịch sử: Hiệp định TPP sẽ đặt ra quy chuẩn cho thương mại trong thế kỷ 21

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tại cuộc họp báo tuyên bố kết thúc đàm phán TPP ở Atlanta.
“Chúng tôi, Bộ trưởng Thương mại các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam xin tuyên bố chúng tôi đã kết thúc thành công đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.
9h15 sáng ngày 5/10/2015 đã trở thành thời khắc lịch sử đối với 12 quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương với tuyên bố chính thức hoàn tất đàm phán hiệp định TPP của Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman.
Theo ông Froman, với những tiêu chuẩn cao và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia, TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, cân bằng, góp phần tăng cường sự minh bạch, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo.
Ông Froman nói: “Sau 5 năm tích cực đàm phán, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận nhằm tạo thêm việc làm, đẩy mạnh tăng trưởng bền vững và phát triển hòa nhập, thúc đẩy các sáng kiến trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương
. Quan trọng hơn cả, hiệp định TPP đã đạt được những mục tiêu đặt ra về một thỏa thuận nhiều tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, mang lại lợi ích cho người dân các nước thành viên”.
Được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21, Hiệp định TPP bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước v.v..
Các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế.
Bộ trưởng Ngoại thương Canada, Ed Fast cho biết: “12 nước TPP cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận mà chỉ cách đây ít lâu tưởng như không thể.
Những đồng nghiệp của tôi ở đây đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong đàm phán để đi tới một hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng của thế kỷ 21.
Hiệp định này sẽ đặt ra những quy chuẩn cho thương mại thế kỷ 21 trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng Canada, Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb nhìn nhận:
“TPP là thỏa thuận thương mại đa phương lớn nhất, giàu tham vọng và có ý nghĩa nhất trong 20 năm qua.
Hiệp định này sẽ định hình tương lai cho rất nhiều thỏa thuận thương mại trong thế kỷ 21.”
TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ đôla mỗi năm.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD vào năm 2025.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cùng Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP tại cuộc họp báo tuyên bố kết thúc đàm phán TPP.
Họp báo tuyên bố kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới TPP.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Công thương Việt Nam, Vũ Huy Hoàng cho rằng TPP sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, trong đó có dệt may, qua đó góp phần tăng cường thị trường lao động.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Hiện tại, ngành dệt may đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trong nước.
Những ưu đãi khi tham gia TPP sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo.”
Sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định.
Quá trình này thông thường kéo dài tối thiểu là 18 tháng. Đây cũng là khoảng thời gian để các nước tham gia chuyển bị điều kiện cần thiết để có thể thực hiện được tốt hiệp định.
Có thể bạn quan tâm

Sáng nay (30/10), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị góp ý “Đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn để xuất khẩu tại tỉnh Nam Định và Thái Bình”. Tham dự có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định và Thái Bình cùng các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ.

Hiện nay, trên các cánh đồng chờ vào vụ mới, những người nuôi vịt tranh thủ chạy đồng theo cách truyền thống để giảm bớt nguồn thức ăn. Dù vất vả nhưng bù lại người nuôi thu lãi cao.

Sau khi làm chuồng trại bảo đảm theo tiêu chuẩn, an toàn tuyệt đối, được Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình kiểm tra, cấp giấy phép; tháng 7-2012 anh Bùi Thanh Tâm ở thôn Tây, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) ra huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa mua 100 con rắn hổ mang giống với giá 25 triệu đồng về nuôi.

Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, người ta không còn chọn xích lô để làm phương tiện đi lại nên công việc của ông ngày càng khó khăn. Ông nói: “Lúc đó tôi muốn về quê, nhưng nghĩ lại, phải kiếm cái nghề gì đã. Rồi tôi theo mấy người bạn của mình đi học cách chăn nuôi bò, vì nghĩ về quê thì chăn nuôi là hợp lý nhất”. Sau những tháng ngày học hỏi và tích góp kiến thức cũng như kỹ thuật nuôi bò, ông Nông khăn gói về quê.

Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò cái lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn TP Hà Nội” được UBND thành phố phê duyệt tháng 2 - 2012 và giao Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội (công ty) làm chủ đầu tư. Sau hơn hai năm thực hiện bước đầu đã đạt kết quả khả quan.