Jasmine sẽ là thương hiệu gạo Việt Nam

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cho biết xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam không phải là điều dễ dàng, nhưng khi xem xét lại cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm qua, VFA nhận thấy tỷ lệ gạo thơm của Việt Nam đang chiếm tỷ lệ cao ngày càng cao.
Để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, cách tốt nhất là chọn những sản phẩm gạo thơm để làm thương hiệu, và gạo thơm Jasmine là một trong những lựa chọn này.
Theo ông Năng, trước đây, gạo thơm của Việt Nam chỉ có giá khoảng 460 đô la Mỹ/tấn, nhưng trong thời gian qua, giá gạo thơm đang tăng, và doanh nghiệp Việt Nam có thể bán được với giá 600 đô la Mỹ/tấn.
Tuy nhiên, vị chủ tịch VFA cũng thừa nhận, dù Việt Nam đã có quyết định xây dựng thương hiệu gạo nhưng để biến ý tưởng thành hiện thực cũng cần một thời gian dài.
Vì thế, để sản xuất gạo thơm xuất khẩu, điều cần thiết là phải có cánh đồng lớn vì như vậy mới tập trung được một diện tích lớn trồng gạo thơm, chứ không thể phụ thuộc vào người nông dân được.
Ngoài vai trò chủ tịch VFA, ông Năng còn là Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood2).
Vì thế, ông cho biết, trong thời gian tới, Vinafood2 sẽ liên kết với một vài doanh nghiệp để làm cánh đồng mẫu lớn sản xuất gạo thơm xuất khẩu.
Trước đó, có thông tin Vinafood2 sẽ liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, trước đây là Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, để làm cánh đồng mẫu lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,47 triệu tấn gạo, giá trị thu về là 1,92 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 10% về khối lượng và gần 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá gạo xuất khẩu trung bình trong 8 tháng của năm nay là gần 431 đô la Mỹ/tấn, giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm hơn 35% thị phần trong 8 tháng đầu năm.
Có thể bạn quan tâm

Nhờ nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và tập trung thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi… nên những năm qua lĩnh vực kinh tế nông nghiệp của huyện Quế Sơn đã có bước đột phá mạnh mẽ. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo tiền đề quan trọng giúp địa phương xây dựng thành công mô hình nông thôn mới…

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt cho vay vốn đóng mới nâng cấp tàu, vay vốn lưu động phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Chúng tôi có dịp đến nhiều địa phương để cảm nhận sự đổi thay trong phát triển nông nghiệp của người dân Triệu Phong (Quảng Trị). Đây là kết quả của nhiều chính sách mà cấp ủy, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương áp dụng vào thực tế trong suốt thời gian qua.

Thời gian gần đây, tình trạng nông dân tự phát chặt bỏ cây cao su đã diễn ra trên địa bàn tỉnh, với diện tích lên đến hàng ngàn ha thật sự là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.

Ngày 21-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã có cuộc họp với các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo và xử lý những kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai.