Hướng Dẫn Hộ Nuôi Tôm Càng Xanh Ghi Chép Sổ Tay Theo Hướng VietGAP

Sau 10 năm phát triển dự án nuôi tôm càng xanh mùa lũ, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng tôm càng xanh đã và đang là đối tượng nuôi có giá trị quan trọng bậc nhất trong ngành thủy sản của huyện Tam Nông. Tuy là một đối tượng nuôi khó, nhưng nghề nuôi tôm trong thời gian qua đã góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của huyện và khai thác tối đa tiềm năng lợi thế vùng lũ.
Năm 2013, toàn huyện Tam Nông thả nuôi trên 600ha tôm càng xanh, tập trung chủ yếu ở các xã: Phú Thành B, Phú Thành A, Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim.
Bên cạnh những thành công, các hộ nuôi vẫn gặp không ít khó khăn. Một trong những nguyên nhân làm cho diện tích nuôi tôm của huyện không tăng thêm trong vài năm gần đây chính là thị trường tiêu thụ không ổn định, không có doanh nghiệp đến liên kết bao tiêu thu mua sản phẩm.
Xuất phát từ tình hình trên và nhằm chuẩn bị thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, từ tháng 9/2014 Trạm Thủy sản huyện Tam Nông đã triển khai hướng dẫn cho toàn bộ các hộ nuôi tôm càng xanh trong địa bàn ghi chép sổ tay nuôi tôm càng xanh theo hướng VietGAP.
Theo đó, bà con nông dân sẽ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ghi chép, theo dõi các chi phí phát sinh, tình hình sức khỏe tôm nuôi theo từng giai đoạn. Đó sẽ là cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm vào cuối vụ nuôi và định hướng cho vụ nuôi tiếp theo.
Việc áp dụng ghi chép sổ tay trong suốt quá trình nuôi sẽ giúp các hộ dân đạt được các mục đích như: nuôi tôm theo một quy trình đồng nhất, sản phẩm đồng đều về trọng lượng, năng suất cao, hình thức đẹp; giảm giá thành, tăng lợi nhuận thông qua việc ghi chép chi phí sản xuất một cách rõ ràng, chi tiết; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đó là các yếu tố quan trọng để đáp ứng yêu cầu do các tổ chức thu mua đặt ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút, mời gọi các doanh nghiệp trong việc tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tôm càng xanh sẽ là một ngành hàng được huyện Tam Nông chọn để thực hiện Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp của địa phương trong thời gian tới, vì vậy việc hướng dẫn cho người nuôi từng bước làm quen với việc ghi chép sổ tay theo hướng VietGAP sẽ giúp thay đổi tập quán và tư duy sản xuất theo cách cũ.
Đây là một bước chuẩn bị quan trọng nhằm thực hiện tốt việc tham gia vào chuỗi giá trị đối với ngành hàng tôm càng xanh, góp phần giúp người nuôi tôm nâng cao thu nhập và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Có thể bạn quan tâm

Khu vực sẽ đưa 596.000 ha mặt nước vào nuôi tôm, trong đó có 580.000 ha nuôi tôm sú. Diện tích còn lại nuôi tôm chân trắng, tôm càng xanh.

Nghiên cứu, phân tích tác động của hội nhập đối với ngành nông nghiệp, nông thôn, vùng nghèo đói đã đưa ra đề xuất chính sách thích hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Nhiều ý kiến đề nghị hạ lãi suất cho vay phục vụ tái canh cà phê ở mức từ 5 - 6%/năm, bên cạnh đó cần đơn giản thủ tục để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn này.

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 637.756 tấn, trị giá FOB 274,6 triệu USD.

Đồng Nai hiện có diện tích trồng tiêu đứng thứ ba trong cả nước với gần 8.000ha. Trong đó có khoảng 7.300ha đang trong thời kỳ thu hoạch, với tổng sản lượng trên 15.000 tấn/năm.