Hợp Tác Xã Bò Sữa Long Tân (Dầu Tiếng) Đồng Hành Cùng Người Chăn Nuôi

HTX bò sữa Long Tân (xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) thành lập ngày 6-8-2013, trên cơ sở tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa Long Tân. Sau 1 năm thành lập, HTX đã có bước chuyển mình. Đàn bò sữa của HTX hiện có khoảng 420 con, trong đó có 280 con đang cho sữa, thuộc 44 hộ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ nhiệm HTX bò sữa Long Tân cho biết trước đây, người nông dân chỉ phát triển kinh tế quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa thấy được quyền lợi của mình khi tham gia HTX. Từ khi HTX thành lập đã phát huy hiệu quả, thu hút được đông đảo nông dân. Nhiều hộ làm ngành nghề khác thấy hiệu quả cũng chuyển sang chăn nuôi bò sữa.
Khi mới thành lập, HTX gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn đó chính là nguồn vốn còn khá hạn hẹp. Nắm bắt được những trăn trở của các hội viên, Ban quản trị HTX đã cùng với Hội Nông dân xã Long Tân có những phương án, chính sách nhằm hỗ trợ hội viên vượt qua khó khăn.
Hiện tại, có 20 hộ chăn nuôi được vay vốn từ Trung ương Hội Nông dân với tổng số tiền 1 tỷ đồng. HTX cũng thường xuyên liên hệ với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn để được hỗ trợ về giống cỏ mới làm thức ăn cho bò.
Con giống cũng được HTX chọn lọc tốt nhất từ các công ty có uy tín. Hiện HTX dự định thuê thêm 3 ha đất để trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn xanh cho bò, giúp hội viên chủ động được nguồn thức ăn, hạn chế phụ thuộc vào nguồn cỏ tự nhiên. Các lớp tập huấn chăn nuôi, lớp bồi dưỡng kiến thức về thú y cũng thường xuyên được HTX tổ chức, qua đó giúp nâng cao kiến thức cho bà con nông dân.
Do đặc thù của sản phẩm, nông dân thường bị áp lực ở khâu vận chuyển sản phẩm đến đơn vị thu mua do quãng đường khá xa, thời gian lại hạn hẹp. Để giải quyết khó khăn này, từ tháng 6-2014, trạm trung chuyển sữa đã được HTX khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2014.
Bên cạnh đó, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe vật nuôi cũng được HTX thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; đàn bò được tiêm phòng định kỳ 2 đợt mỗi năm, vào tháng 3 và tháng 9. HTX còn được Trạm Thú y huyện Dầu Tiếng hỗ trợ chi phí vắc xin.
Ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân cho biết, nghề nuôi bò sữa đã có từ lâu nhưng trước đây, do chưa tìm được hướng đi đúng, bà con đã chuyển sang trồng cây cao su. Gần đây giá cao su có nhiều biến động nên nông dân lại chuyển sang nuôi bò sữa, nghề này bắt đầu phát triển trở lại.
Đến nay, đây là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao; bình quân mỗi con bò cho 20 lít sữa/ngày, bán với giá khoảng 14.000 đồng/lít, giúp bà con ổn định cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

Do mưa lớn những ngày qua, lượng nước rút chậm nên công tác khắc phục khoảng 3.000 ha lúa, hoa màu bị ngập nước do mưa của tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam (SOFRI), hiện nay, trái cây đặc sản chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long đang mở rộng thị trường xuất khẩu đến 76 nước trên khắp các châu lục, tăng hơn 13 nước so với năm trước.

Tuy là phận nữ nhi, nhưng chị Đoàn Thị Hoa (36 tuổi) ở khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, không kém cánh mày râu, đã năng động, mày mò xây dựng mô hình trồng rau thủy canh, để hàng tháng thu lãi từ rau cải khoảng 15 triệu đồng.

Tôm chết kéo dài, không còn vốn tái sản xuất, kinh tế gia đình gặp khó khăn, nhưng người nuôi tôm công nghiệp (NTCN) vẫn phải mỏi mòn chờ số tiền được chi trả theo hợp đồng bảo hiểm. Nó giống như một món nợ xấu mà trước nay nông dân mới lần đầu gặp phải.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, vụ nuôi tôm thứ hai của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) sẽ bước vào thu hoạch. Tuy vậy, suốt gần một tuần qua, mưa lớn kéo dài đang khiến cho người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) như ngồi trên đống lửa, bởi mưa lớn bất thường kèm bão sẽ làm thay đổi nguồn nước nuôi tôm, khả năng thất bát là rất lớn.