Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa

Hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa
Ngày đăng: 23/06/2015

Vai trò “bà đỡ”

Với cầu nối là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Tam An 2, vụ đông xuân 2014 - 2015 vừa qua, nhiều nông dân trên địa bàn hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Ông Bùi Thanh Thọ - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Tam An 2 cho biết, sau khi thực hiện việc chỉnh trang đồng ruộng, những năm qua đơn vị đứng ra liên kết với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình và một số doanh nghiệp khác tổ chức cho hơn 400 hộ dân ở các thôn An Thiện, Thuận An, An Thọ, Phước An sản xuất mỗi vụ 102ha giống lúa thuần các loại. Theo ông Thọ, canh tác theo hướng này bình quân 1ha đất nông dân lãi thêm 16 triệu đồng/vụ so với làm lúa thường.

Còn ông Trần Ngọc Bằng – Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh thì cho hay, những năm qua nhiều HTX nông nghiệp khác trên địa bàn huyện cũng phát huy rất tốt vai trò  “bà đỡ” trong việc hỗ trợ nhà nông liên kết với nhà doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Riêng vụ đông xuân 2014 - 2015 vừa rồi nông dân Phú Ninh liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất hơn 567ha giống lúa trên hàng chục cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật. Thống kê cho thấy, vụ này người dân đã thu hoạch, xuất bán ra thị trường hơn 3.400 tấn hạt giống lúa thuần và lúa lai các loại. Qua đó, tăng ít nhất 25% giá trị kinh tế so với canh tác lúa thương phẩm.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều HTX cũng phát huy rất tốt vai trò “bà đỡ”, làm cầu nối, giúp nông dân tiếp cận và liên kết sản xuất với nhiều doanh nghiệp, tạo hướng mở trong việc giải quyết đầu ra nông sản. Các mối liên hệ này xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân và doanh nghiệp, hợp tác đôi bên cùng có lợi nên rất bền chặt. Trong mối liên kết này, chính quyền địa phương “tiếp sức” bằng cách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, định hướng sản xuất phát triển bền vững.

Ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, để tiếp sức cho nhà nông hợp tác sản xuất dưa leo với doanh nghiệp, ngân sách huyện trích kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp phát triển nông nghiệp hỗ trợ người dân mua hạt giống và thường xuyên cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại. Thực tế cho thấy, vụ vừa qua bình quân 1ha dưa leo cho mức thu nhập 100 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác.    

Khi nông dân nhạy bén

Bên cạnh sự nỗ lực phát huy vai trò “bà đỡ” của các HTX thì những năm qua nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng rất năng động, nhạy bén trong việc liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm.

Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, những năm qua việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong khâu sản xuất và tiêu thụ giống lúa đã mang lại thành công rất lớn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được hàng loạt vùng chuyên canh giống lúa thuần và lúa lai với diện tích sản xuất mỗi năm khoảng 4.000ha. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, sắp tới ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương sẽ tiến hành quy hoạch, mở rộng thêm 2.000 - 3.000ha đất chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa.

Ngay sau khi “bắt mối” với Công ty CP Thái Lan, đầu năm 2010 ông Nguyễn Ngọc Lễ ở thôn Xuân Thái (Phú Thọ, Quế Sơn) đầu tư 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo gia công với quy mô khép kín trên 1ha đất đồi, nằm cách xa khu vực dân cư. Theo đó, công ty chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.

Đồng thời cung ứng toàn bộ con giống đầu vào cũng như nguồn thức ăn, thuốc thú y, hóa chất phun tiêu độc khử trùng và đảm nhận việc lo đầu ra của sản phẩm. “Nói chung là doanh nghiệp lo tất tần tật các khâu, tôi chỉ tốn kinh phí xây chuồng trại và công nuôi dưỡng thôi. Trong vòng 5 năm qua, bình quân một năm tôi nuôi gia công cho Công ty CP Thái Lan 2 lứa heo thịt, mỗi lứa với số lượng 500 con. Doanh nghiệp họ lãi bao nhiêu tôi không rõ, riêng về phần mình thì mỗi năm tôi kiếm được 200 triệu đồng tiền nuôi gia công” – ông Lễ chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, thời gian qua nông dân ở nhiều địa phương của huyện đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để phát triển mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại với quy mô lớn.

Ông Chín nói: “Theo thống kê, hiện nay tại các xã Quế Long, Phú Thọ, Quế An, Quế Châu, Quế Phú nông dân và doanh nghiệp đã hình thành được 9 trang trại chăn nuôi heo siêu nạc với số lượng 400 - 700 con/lứa/mô hình. Đây là hướng mở trong phát triển chăn nuôi hàng hóa, vì cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều có thu nhập khá. Vì thế, trong những năm đến cần nhân rộng phương thức chăn nuôi này”.


Có thể bạn quan tâm

Đắk Nia Được Mùa Lúa Lai Vụ Hè Thu Đắk Nia Được Mùa Lúa Lai Vụ Hè Thu

Những ngày này, trên các cánh đồng lúa, đồng bào dân tộc thiểu số của xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đang khẩn trương bước vào mùa thu hoạch lúa lai. Vụ này, bà con ở đây đã chú trọng đưa vào gieo cấy các loại giống lúa lai nên đã đem lại năng suất cao và chất lượng gạo thơm, ngon.

11/11/2014
Trồng Khoai Lang Nhật Bản Từ Giống Nuôi Cấy Mô Ở Tuy Đức Đưa Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trồng Khoai Lang Nhật Bản Từ Giống Nuôi Cấy Mô Ở Tuy Đức Đưa Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Trao đổi về tình hình sản xuất khoai lang trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuy Đức cho biết: “Từ tháng 6/2012, huyện Tuy Đức đã xây dựng vườn ươm giống khoai lang Nhật Bản bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích 2 ha. Bắt đầu từ năm 2013, mỗi 1 ha cung cấp cây giống thế hệ F1 đủ trồng cho 30 ha.

11/11/2014
Triển Vọng Giống Lúa Thuần TBR225 Triển Vọng Giống Lúa Thuần TBR225

Giống lúa là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng thu hoạch trên diện tích canh tác. Vì vậy, vụ mùa năm 2014 Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình triển khai sản xuất thử giống lúa thuần TBR225 tại xã Pom Lót (huyện Điện Biên).

11/11/2014
Cây Tiêu Trên Vùng Đồi Đá Cây Tiêu Trên Vùng Đồi Đá

Huyện Thống Nhất có khoảng 3.300 hécta đất đồi đá thuộc các xã: Quang Trung, Gia Tân 3... trước đây chủ yếu chuyên canh cây chuối vì chịu được khô hạn. Từ khi chương trình nông thôn mới đưa điện về tận các thôn, ấp, đảm bảo phục vụ sản xuất, người dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích những cây trồng cho hiệu quả cao.

11/11/2014
Tiền Đề Phát Triển Nông Nghiệp, Nông Thôn Tiền Đề Phát Triển Nông Nghiệp, Nông Thôn

Trong các năm qua, nguồn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có chính sách hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL như: cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá, chính sách cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch để khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp.

11/11/2014