Hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký đạt gần 5,7 triệu tấn

Cụ thể, theo báo cáo của VFA, trong tổng số 5,695 triệu tấn gạo đã ký bán, có 4,618 triệu tấn thuộc hợp đồng thương mại, chiếm 81,09% và 1,077 triệu tấn thuộc hợp đồng tập trung, chiếm 18,91%.
Trong khi đó, về tình hình xuất khẩu, theo VFA, lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 8-10-2015 đạt 4,394 triệu tấn, trị giá FOB đạt trên 1,8 tỉ đô la Mỹ.
Như vậy, sau khi cân đối giữa số lượng hợp đồng đã ký và lượng hàng đã giao cho đối tác, doanh nghiệp hội viên của VFA vẫn còn hơn 1,3 triệu tấn gạo đang chờ giao cho đối tác.
Về diễn biến hàng tồn kho, báo cáo của VFA cho thấy tính đến cuối tháng 9-2015, tổng lượng gạo tồn kho ở các doanh nghiệp hội viên của đơn vị này còn gần 1,6 triệu tấn các loại, trong đó Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tồn kho 125.500 tấn;
Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) tồn kho trên 544.800 tấn; và các doanh nghiệp hội viên khác tồn kho trên 916.500 tấn.
Như vậy, so với số lượng hợp đồng xuất khẩu còn lại chưa giao (1,3 triệu tấn), doanh nghiệp hội viên của VFA sẽ chủ động được nguồn hàng phục vụ cho xuất khẩu.
Về diễn biến thị trường lúa gạo nội địa, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp Yến Ngọc (TPHCM), cho biết tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, hiện gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá 6.600-6.800 đồng/kg (tùy loại), tăng 200-300 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần này và tăng tổng cộng khoảng 500-600 đồng/kg so với trước thời điểm Việt Nam trúng thầu bán 450.000 tấn gạo cho Philippines hôm 17-9 vừa qua.
Giá lúa IR 50404 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện cũng nhảy vọt lên mức 4.600-4.700 đồng/kg so với mức 4.400-4.500 đồng/kg hồi đầu tuần này.
Tuy nhiên, theo bà Yến, hiện sức mua của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang có xu hướng giảm trở lại. “Chỉ doanh nghiệp nào chưa đủ hàng người ta mới “gom”, chứ có hàng rồi thì họ không “gom” nữa vì mức giá này là quá cao, “gom” vào sẽ không có lãi nữa,” bà nói.
Trong khi đó, giá xuất khẩu gạo hiện được doanh nghiệp ở ĐBSCL chào bán vẫn ổn định so với hồi đầu tuần này, ở mức 355-365 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm; và 335-345 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm.
Có thể bạn quan tâm

Bằng sự nhạy bén, năng động, mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, ông Lê Mộng Bảo đã làm giàu trên chính mảnh đất Lộc Thành nhiều gian khó.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 503 cơ sở và hộ gia đình gây nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký với hơn 340.000 cá thể, bao gồm các loài như: cá sấu, trăn, rắn, kỳ đà, rùa, nhím, nai, heo rừng, cầy hương, ba ba, tắc kè, chim trĩ...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai mô hình nâng cao hiệu quả kinh tế vùng sản xuất na tập trung tại xã Hoàng Tiến (Chí Linh - Hải Dương).

Hè về, sen thương phẩm từ các ao, bàu ở xã Sùng Nhơn (Bình Thuận) lên bờ tỏa đi khắp mọi hướng trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ. Có thể nói rằng, những năm gần đây sen thương phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân nơi đây.

Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, nhiều địa phương ven biển của tỉnh Nam Định đã phát triển mô hình tổ hợp tác trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000 tổ hợp tác; trong đó, có 58 tổ hợp tác có đăng ký sản xuất kinh doanh.