Hỗ Trợ Áp Dụng Và Chứng Nhận VietGAP Cho Hộ Nuôi Cá Tra

Vừa qua, tại huyện Cái Bè và Cai Lậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng với Chi cục Thủy sản tổ chức 2 cuộc hội nghị triển khai Thông tư số 23/2014/TT-BNNPTNT ngày 29-7-2014 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra cho đối tượng là các doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, dự thảo kế hoạch hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho các hộ nuôi cá tra được lấy ý kiến trước khi trình UBND tỉnh xin kinh phí triển khai. Chi cục Thủy sản cho biết, theo Nghị định số 36/2014/NĐ-CP, đến hết ngày 31-12-2015, các hộ tổ chức, cá nhân nuôi cá tra phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP hoặc các chứng chỉ quốc tế khác phù hợp với pháp luật Việt Nam mới được nuôi cá tra.
Nhằm hỗ trợ các hộ nuôi cá tra đáp ứng được quy định này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ ưu tiên hỗ trợ các hộ nuôi cá tra về công tác đào tạo, tư vấn và chi phí chứng nhận VietGAP theo Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 19-6-2013 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Để đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định và giảm chi phí chứng nhận, các hộ nuôi cá tra sẽ được gom lại thành vùng nuôi theo nguyên tắc những hộ nuôi cá tra liền kề có chung nguồn nước cấp, kênh xả và đảm bảo sản lượng trên 500 tấn/ha, còn những hộ nuôi cá tra độc lập đạt sản lượng trên 500 tấn/ha sẽ thực hiện chứng nhận riêng. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có 13 hộ/vùng nuôi cá tra được hỗ trợ thực hiện và chứng nhận VietGAP với tổng kinh phí dự kiến trên 930 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2015.
Mặt khác, theo Thông tư số 23/2014/TT-BNNPT, bắt đầu ngày 12-9-2014, các cơ sở nuôi cá tra phải thực hiện thủ tục cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Tuy nhiên chỉ những cơ sở nuôi nằm trong quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt mới được cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Một cơ sở có nhiều ao nuôi thì được cấp nhiều mã số nhận diện ao nuôi, mỗi ao nuôi được cấp duy nhất một mã số nhận diện.
Mã số nhận diện cơ sở nuôi và ao nuôi chỉ được cấp khi đăng ký lần đầu hoặc đăng ký lại. Việc thực hiện đăng ký mã số nhận diện lần đầu và đăng ký lại được thực hiện độc lập hoặc đồng thời với việc xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Ngoài ra, đăng ký nuôi cá tra thương phẩm bao gồm đăng ký diện tích và sản lượng nuôi.
Chi cục Thủy sản tỉnh là cơ quan cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi, xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Hồ sơ đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và đăng ký nuôi cá tra thương phẩm bao gồm: Giấy đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi, Sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi do chủ cơ sở nuôi xây dựng, 2 bản Giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm.
Chủ cơ sở nuôi có trách nhiệm đăng ký mã số nhận diện cơ sở ao nuôi (lần đầu hoặc đăng ký lại) và đăng ký nuôi cá tra thương phẩm với Chi cục Thủy sản chậm nhất trước thời điểm thả giống 20 ngày. Ngoài ra, khi thay đổi chủ cơ sở nuôi hoặc thay đổi diện tích ao nuôi hoặc sơ đồ mặt bằng vị trí ao nuôi cần đăng ký lại mã số nhận diện.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác thủy sản của các địa phương trên địa bàn Hải Phòng đạt gần 15 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013.

Những năm qua, nhiều nông dân ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chú trọng đa dạng hóa các mô hình kinh tế, đặc biệt tận dụng diện tích ao hồ, mặt nước khá lớn ở địa phương để đầu tư nuôi trồng thủy sản. Bước đầu, mô hình này cho thu nhập khá và hứa hẹn hiệu quả kinh tế lâu dài nếu được đầu tư đúng hướng.

Bạn hàng vùng lộ tẻ Cái Sắn (Cần Thơ) nghe “tay anh chị” này hoàn lương cũng hiếu kỳ muốn tìm đến xem thử thực hư... rồi kết thân, trở thành mối lái mua bán, giúp anh biết thêm “món” cá chình...

Hơn 200 DN của 40 quốc gia trên toàn cầu vừa đến VN tham dự Hội nghị điều quốc tế 2014, mở ra cơ hội lớn cho ngành điều VN đẩy mạnh XK, đặc biệt là thị trường Châu Âu.

Không chỉ có tình hình nắng nóng kéo dài, hay giá tôm nguyên liệu tăng cao, mà chuyện phá mía nuôi tôm và thiếu điện đang góp phần “gia nhiệt” làm cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2014 ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) “nóng” lên từng ngày.