Hiệu Quả Từ Việc Trồng Xen Canh Cây Ngắn Ngày Với Rừng Mới Trồng

Nhận thấy lợi ích kinh tế từ việc trồng xen canh cây màu với rừng trồng 1 - 2 năm tuổi nên trong những năm qua, nhiều hộ gia đình tại Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã mở rộng hình thức canh tác này. Trong đó lớn nhất là tại các xã phía nam của huyện như: Lãng Ngâm, Trung Hoà, thị trấn Nà Phặc, Hương Nê…
Vạt rừng trồng xen canh dong riềng, sắn cao sản của gia đình chị Nông Thị Len, thôn Pù Cà, xã Lãng Ngâm.
Theo thống kê, riêng năm 2011, toàn huyện đã có khoảng 200 ha rừng trồng mới được người dân trồng xen canh một số loại cây màu ngắn ngày như: Ngô, đỗ tương, sắn, lúa nương, dong riềng... đặc biệt, năm 2012, huyện Ngân Sơn trồng thử nghiệm 100 ha dong riềng thì cũng có khoảng 50% diện tích này được bà con trồng xen canh với rừng 1, 2 năm tuổi.
Chúng tôi đến thăm khu rừng mới trồng 1 năm tuổi, rộng 0,5 ha của gia đình chị Nông Thị Len ở thôn Pù Cà, xã Lãng Ngâm nhận thấy rằng những cây sắn phát triển tốt, mọc gần quá đầu người. Chị Len cho biết: nhận thấy diện tích rừng mới trồng có thể xen canh một số loại cây màu nên gia đình chị quyết định trồng sắn cao sản xen canh. Sau một năm trồng thử nghiệm, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình là rất rõ rệt, vừa có thêm thu nhập từ bán sắn, vừa tiết kiệm được công làm đất, đồng thời do thường xuyên vun xới nên đất rất tơi, xốp, cây rừng phát triển nhanh.
Đồng chí Hoàng Thị Ngọc Lan, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngân Sơn cho biết: việc trồng xen canh tạo cho đất có độ ẩm, tơi xốp giúp cho những cây rừng mới trồng phát triển rất nhanh. Đặc biệt, những diện tích trồng rừng năm thứ nhất, thứ 2 là thời điểm trồng xen canh một số cây hoa màu ngắn ngày là hiệu quả nhất. Không những thế, trồng xen canh và phải thường xuyên chăm sóc cây màu nên người dân sẽ có điều kiện theo dõi tình hình phát triển hoặc sâu bệnh trên cây rừng, từ đó có những biện pháp khắc phục hiệu quả.
Một công đôi việc, vừa có được thu nhập từ những cây trồng xen canh, vừa chăm sóc được rừng trồng, hiệu quả là không thể phủ nhận. Trong những năm tới huyện Ngân Sơn sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân dân trồng xen canh với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đây sẽ là bước đệm góp phần quan trọng vào công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian trầm lắng, từ đầu tháng 2 đến nay, giá cà phê nhân liên tục tăng đã làm cho thị trường mua bán mặt hàng này sôi động trở lại. Ghi nhận tại các điểm thu mua cà phê và từ phía hộ dân cho thấy, nhiều nông dân đang dự trữ cà phê chờ giá đã mạnh dạn xuất hàng bán để lấy tiền đầu tư cho vụ mới.

Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, siêng năng, cần cù chịu khó, bám đất bám vườn để làm ăn và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Để đáp ứng nhu cầu giống lúa phục vụ sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tích cực đưa vào khảo nghiệm nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt. Kết quả đã xác nhận thêm 3 giống lúa có chất lượng là Hoa ưu 109, PC6 và AQ6.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua, do thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường đã tạo môi trường cho rệp sáp phát triển gây hại trên cây cà phê ở một số địa phương như Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô…Trong đó, tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, rệp sáp đã xuất hiện trong vườn cà phê với tỷ lệ từ 3-5%/1 cành.

Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thì từ năm 2010, đơn vị đã thực hiện một số mô hình trình diễn trồng cây mắc ca để khảo nghiệm loại cây trồng mới được xem là mang lại hiệu quả kinh tế cao này.