Hiệu Quả Từ Nuôi Bò Nhốt Chuồng Vỗ Béo

Nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo thành công, nhiều hộ nông dân ở xã Điện Quang (Điện Bàn) đã có cuộc sống sung túc hơn trước.
Ngồi trong căn nhà 3 gian rộng rãi, khang trang vừa mới xây dựng xong, ông Phan Mười ở thôn Bảo An Tây hồ hởi nói: “Gia đình tôi có được cơ ngơi trị giá gần 400 triệu đồng như hôm nay đều nhờ vào đàn bò mà nhiều năm qua nhọc công chăm sóc”.
Lão nông này cho hay, trước đây ngoài mấy sào đất màu, vợ chồng ông phải bươn chải đủ nghề để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Nhận thấy chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao lại phù hợp với điều kiện thôn quê, ông vay mượn được hơn 30 triệu đồng mua 3 con bò con về nuôi từ năm 2009. Thức ăn cho chúng là các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có và nguồn cỏ dồi dào tại địa phương.
Chỉ sau hơn 10 tháng nuôi, ông cho xuất chuồng và thu được gần 90 triệu đồng. Trả nợ ngân hàng xong, gia đình kiếm lãi gần 60 triệu đồng. Vừa áp dụng vừa rút kinh nghiệm, mỗi năm ông nuôi 6 con, thu lãi bình quân 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ông Mười có của ăn của để như ngày hôm nay.
Hoàn thành quân ngũ trở về địa phương, anh Trần Công Cường ở thôn Phú Đông không có việc làm ổn định nên thu nhập rất bấp bênh. Vậy là, anh quyết định chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Được chăm sóc bằng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như lá bắp, lá khoai và các loại thân cây đậu sẵn có, đàn bò phát triển rất nhanh.
Trung bình mỗi con bò có trọng lượng trên 400kg với 10 tháng nuôi, giá xuất bán từ 35 - 40 triệu đồng/con. Hiện tại, chuồng nhà anh có 4 con bò thịt đang chuẩn bị trao cho thương lái. Giá cả đầu ra đối với con bò hiện nay khá ổn định, gia đình anh có thể cầm chắc trên tay cả trăm triệu đồng tiền lãi.
Xã Điện Quang hiện có trên 1.000 hộ chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt với tổng đàn dao động từ 3.000 - 3.200 con/năm. Trong đó, hàng trăm hộ dân nuôi từ 5 con trở lên, cá biệt có gia đình nuôi đến 15 con bò. Nuôi vỗ béo từ 8 - 10 tháng, người nông dân thu lãi xấp xỉ 2 triệu đồng/con.
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Quang, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của địa phương đạt bình quân 120 tỷ đồng/năm thì giá trị chăn nuôi bò chiếm hơn một nửa. Do vậy, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ để đẩy mạnh mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con.
Có thể bạn quan tâm

Cá tra được xác định là một trong những sản phẩm quốc gia chiến lược của Việt Nam với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Thời gian qua, dù sản xuất và tiêu thụ cá tra còn gặp nhiều khó khăn như: dịch bệnh, chi phí đầu vào nuôi tăng, người nuôi thua lỗ, thị trường xuất gặp khó, giá xuất khẩu giảm, các rào cản thuế quan và phi thuế quan…

UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Chỉ thị cấm các tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản dưới mọi hình thức trong hồ Dầu Tiếng vào mùa sinh sản từ ngày 1.7 đến 30.9 hằng năm, đặc biệt tại các bãi cá đẻ như Khu rừng cấm, Ao 10 mẫu, Hóc Cò, Vàm Suối Đông... Báo Tây Ninh cũng không ít lần phản ánh. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện, vẫn còn nhiều người đánh bắt cá vào mùa sinh sản trong hồ Dầu Tiếng.

Thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng cố ý đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất. Tuy nhiên, kết quả chưa triệt để, tình hình vi phạm vẫn xảy ra.

Tính đến đầu tháng 8, các DN, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã ký hợp đồng bao tiêu gần 100% diện tích mía trong dân, với giá tương đương so với năm 2014.

Bước vào vụ mùa 2015, toàn tỉnh gieo trồng 58.230 ha, trong đó cây lương thực 44.650 ha, chủ yếu là lúa với 40.000 ha. Trong điều kiện khó khăn về thời tiết, tình hình sâu bệnh…việc chỉ đạo sản xuất đạt hiệu quả đang được ngành nông nghiệp tỉnh tập trung quyết liệt…