Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Mô Hình Xen Canh

Hiệu Quả Từ Mô Hình Xen Canh
Ngày đăng: 15/06/2013

Đến thôn 4 xã Hưng Bình – huyện Đắk Rlấp hỏi thăm nhà bác Phạm Đình Thuấn thì không ai là không biết bởi bác nổi tiếng là người cần cù chịu khó lại ham học hỏi, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Dừng chân trước cổng một ngôi nhà khang trang, có vườn cây xanh tốt, tiếp chúng tôi là một người đàn ông trung niên dáng người hơi thấp nhưng khá rắn rỏi bởi nước da đen. Vừa mời khách, bác vừa cho biết gia đình đang tập trung chăm sóc chanh dây và làm cỏ cà phê. Khi biết mục đích chuyến thăm của chúng tôi, bác vui vẻ cho biết gia đình bác rời quê Hưng Yên vào lập nghiệp tại xã Hưng Bình đã được 10 năm.

Năm 2007 gia đình bác mua được 4 ha đất ở gần nhà nhưng là vườn tạp, có rất nhiều loại cây nhưng đã già cỗi không cho năng suất. Không chán nản gia đình bác bắt tay vào cải tạo khu vườn. Bác chặt bỏ toàn bộ những cây không hiệu quả, cả khu vườn chỉ giữ lại được 1000 trụ tiêu. Sau khi cân nhắc, bác quyết định trồng 3 ha cà phê nhưng không trồng thuần vì bác nghĩ giá cả cà phê thường bấp bênh, nếu trồng một loại cây thì sẽ thất bại ngay. Qua phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo, bác biết được cây chanh dây và cây sầu riêng cho lợi nhuận khá cao.

Thế là lợi dụng lúc cà phê đang còn nhỏ có thể trồng xen, gia đình bác đã đầu tư trồng 2 ha chanh dây và 90 cây sầu riêng xen trong vườn cà phê. Sau hơn 3 năm trồng đến nay cà phê của gia đình đã cho thu hoạch. Bác cho biết năm 2009 gia đình bác thu được 3 tấn tiêu, bán được 120 triệu đồng, 500 triệu đồng chanh dây, 90 triệu đồng sầu riêng. Ngoài ra, cà phê cũng đã thu bói được 7 tấn, bán được 140 triệu. Như vậy tổng thu của gia đình bác năm 2009 đạt 850 triệu đồng.

Theo bác cho biết, tổng chi phí cho 4 ha là 340 triệu, bao gồm: Phân gà ủ với men vi sinh: 80 triệu đồng; Phân NPK: 50 triệu đồng; Vôi: 10 triệu đồng; Phân bón lá: 20 triệu đồng; Thuốc BVTV: 20 triệu đồng; đầu tư dàn + giống cho chanh dây: 160 triệu đồng/2ha.

Theo hoạch toán kinh tế thì lợi nhuận, chưa tính công của gia đình bác là: 510 triệu đồng. Qua tâm sự của bác chúng tôi biết được gia đình có 4 lao động chính nên không phải thuê nhân công ngoài.

Chúng tôi muốn tìm hiểu bí quyết nào đã giúp vườn xen canh nhiều loại cây mà lại năng suất như vậy, bác cho biết: Tất cả đều từ bàn tay, khối óc con người mà ra, đối với bác thì khâu xử lý đất là rất quan trọng. Trước khi xuống giống phải xử lý đất bằng vôi kết hợp với bón lót phân chuồng, phân vi sinh, ngoài ra hàng năm phải làm bồn bón bổ sung phân chuồng, phân hóa học và phun phân bón lá. Về khâu chăm sóc thì khó nhất là cây chanh dây. Bác ví chăm chanh dây giống như chăm em bé vậy, phải cẩn thận, tỷ mỷ, thăm vườn hàng ngày, bón phân hợp lý.

Đối với cây tiêu thì giữa các hàng tiêu bác trồng xen các loại đậu như: đậu đen, đậu tương, đậu lạc vừa cho thêm thu nhập, vừa cải tạo đất, giảm chi phí phân bón và tưới nước. Còn sầu riêng thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, tỉa cành tạo tán, không cần bón phân cho sầu riêng vì nó chỉ ăn theo cà phê, ngược lại cây sầu riêng là cây che bóng chắn gió cho cà phê.

Ngoài diện tích cây trồng, gia đình bác Thuấn còn có thêm 0,3 ha ao thả các loại cá, trồng thêm rau xanh và chăn nuôi gà để cải thiện bữa ăn gia đình. Bác Thuấn cho biết sắp tới sẽ trồng thêm cây bơ ở những diện tích còn trống và xung quanh vườn để tăng thêm thu nhập.

Chia tay bác Thuấn chúng tôi chúc cho gia đình bác luôn may mắn, có một vụ mùa bội thu và thầm hy vọng có nhiều hộ dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho gia đình và đem lại nguồn lợi cho xã hội.


Có thể bạn quan tâm

Nhân Rộng Mô Hình Chuối Tiêu Hồng Nhân Rộng Mô Hình Chuối Tiêu Hồng

Phong trào trồng cây đặc sản, mới lạ như chuối tiêu hồng, hồng xiêm lai xoài, mít Thái Lan, mít Nghệ An phát triển khá mạnh ở xã Đông Dương (Đông Hưng - Thái Bình) trong mấy năm gần đây. Đến nay, nhiều loại cây đã cho thu hoạch, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Chuối tiêu hồng là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Đông Dương hiện nay.

26/12/2013
Khai Thác Hải Sản Đạt Hơn 14 Ngàn Tấn Khai Thác Hải Sản Đạt Hơn 14 Ngàn Tấn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 11 sản lượng khai thác hải sản ước đạt 14.710 tấn. Lũy kế 11 tháng, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh Bình Thuận ước đạt hơn 173.131 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.

05/12/2013
Trồng Ngô Đuổi Con “Ma Đói” Trồng Ngô Đuổi Con “Ma Đói”

Vượt đoạn đường đất đá lởm chởm dài gần 20km từ trung tâm xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn - Yên Bái), chúng tôi đến thôn 1 Khe Nhao, nơi sinh sống của 54 hộ người Mông. Từng là thôn khó khăn nhất xã, nhưng mấy năm trở lại đây, cuộc sống của người dân nơi đây ấm no hơn nhờ trồng ngô.

26/12/2013
Ô Nhiễm Môi Trường Từ Những Ao Nuôi Tôm Trên Cát Ô Nhiễm Môi Trường Từ Những Ao Nuôi Tôm Trên Cát

Năm công ty và nhóm hộ nuôi tôm trên cát vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đó là con số khiêm tốn khi biết hầu hết các công ty và hộ nuôi tôm trên cát chưa có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và đã thải nước tùy tiện.

05/12/2013
Đến Năm 2015, 100% Tàu Khai Thác Cá Ngừ Được Tổ Chức Sản Xuất Theo Mô Hình Tổ Đội Đoàn Kết Sản Xuất Đến Năm 2015, 100% Tàu Khai Thác Cá Ngừ Được Tổ Chức Sản Xuất Theo Mô Hình Tổ Đội Đoàn Kết Sản Xuất

UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch tổ chức lại hoạt động khai thác cá ngừ đại dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

05/12/2013