Hiệu quả từ mô hình sản xuất xoài bao trái

Học cách trồng xoài
Tham quan vườn xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan xanh đang mùa cho trái, chúng tôi ghi nhận cách chuyển đổi giống cây trồng mới của gia đình ông Huỳnh Văn Long (52 tuổi), ở xã Sông Bình (Bắc Bình). Những ngày này, gia đình ông đang khẩn trương thu xoài mùa nghịch vụ theo hướng an toàn đợt cuối cùng và chăm sóc đợt trái xoài mùa tiếp theo. Qua trao đổi mới biết “cơ duyên” mà ông Long gắn với cây xoài trên vùng đất được xem là vùng “đất chết” một thời.
Năm 2009, ông Long nhận thấy một số người vùng sông nước miền Tây lên đây lập nghiệp bằng mô hình trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Từ đó ông mạnh dạn học hỏi và áp dụng ngay trên diện tích đất gần 5 ha của mình. Ban đầu vì vốn ít, kinh nghiệm trồng cây ăn trái chưa nhiều, ông chỉ đầu tư trồng 500 cây xoài cát Hòa Lộc thí điểm.
Khi chuyển đổi sang trồng xoài ông cũng khá lo lắng. Bởi điều kiện kinh tế gia đình còn khó, trong khi trồng xoài tới 3 năm mới cho thu hoạch trái đợt đầu tiên. Bằng cách làm lấy ngắn nuôi dài – tức trên diện tích trồng xoài khi cây còn nhỏ, ông tận dụng quỹ đất trống sản xuất xen canh các loại hoa màu ngắn ngày để có nguồn thu, tạm đủ trang trải cuộc sống và có vốn đầu tư chăm sóc vườn xoài.
Nhận thấy cây xoài phát triển tốt trên vùng đất nơi đây, năm 2011 ông bàn tính cùng gia đình đầu tư mở rộng diện tích trồng thêm 500 cây xoài Đài Loan xanh và một số xoài Thái Lan. Hiện vườn xoài 1.000 cây gồm xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan xanh cho trái mùa thứ hai.
Theo ông Long, trồng xoài trên vùng đất này khá phù hợp, vốn đầu tư không nhiều, trung bình 1 ha đầu tư giống, phân và công chăm sóc khoảng 30 triệu đồng/năm, sang năm thứ hai vốn đầu tư ít hơn và đến năm thứ 3 cây bắt đầu cho trái. Trong thời gian trồng, nếu chăm sóc tốt, xoài sinh trưởng và phát triển đều, đến khi cho trái đạt chất lượng, nếu bán giá ổn định thì mùa trái năm đầu tiên có thể lấy lại chi phí đầu tư. Đến năm thứ 4, xoài cho trái nhiều và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất hoa màu.
Ưu thế xoài bao trái
Theo tính toán của ông Long, trong mùa xoài nghịch vụ mới đây thì “nhờ áp dụng biện pháp xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ, bán được giá cao. Nhưng cái khó của việc sản xuất xoài nghịch vụ là thời tiết không thuận lợi, các loại sâu hại gây bệnh khá nhiều. Nhưng nhờ mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất xoài bao trái, nên trái được chăm sóc tốt. Cách làm này tiết kiệm nhiều chi phí, công chăm sóc, chỉ tốn ít tiền mua bao ban đầu”.
Thực tế mùa xoài nghịch vụ vừa qua, ông Long áp dụng biện pháp sản xuất xoài bao trái theo hướng an toàn khá thành công. Khi xoài ra trái non bằng ly uống nước (khoảng 45 ngày tuổi), ông bắt đầu dùng bọc giấy để bao trái cho đến khi thu hoạch. Bình quân mỗi ngày ông bao vài trăm trái, ngày kế tiếp bao thêm, cứ thế bao lần lượt lượng trái trên cây. Trong quá trình bao trái, ông đánh số thứ tự theo ngày để khi thu hoạch phù hợp, không bị chậm trễ, trái dễ bị chín sớm.
“Mô hình sản xuất xoài bao trái có nhiều ưu thế, tránh sâu bệnh gây hại, côn trùng chích hút, cũng như hạn chế tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, trái được bảo vệ kỹ. Trong thời gian bao, trái xoài vẫn lớn bình thường, màu sắc tươi đẹp, đạt chất lượng, khi thu hoạch bán giá cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với xoài không bao trái”, ông Long nói.
Thời gian gần đây, các nhà vườn trồng xoài ở vùng đất xã Sông Bình đã áp dụng mô hình bao trái khá phù hợp, bước đầu đạt chất lượng. Gia đình ông La Văn Điều, thôn Đá Trắng, xã Sông Bình nói: “Nhờ học hỏi cách bao trái từ mô hình của ông Huỳnh Văn Long, mùa xoài nghịch vụ vừa rồi tôi bao thí điểm 20 cây, khi thu hoạch trái đạt chất lượng, thương lái thích mua, giá bán cao thu hơn 10 triệu đồng”.
Mô hình sản xuất xoài bao trái áp dụng rộng ở vùng chuyên trồng cây ăn trái ở vùng đất xã Sông Bình (Bắc Bình) sẽ rất thuận lợi. Cùng với trái thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thì mô hình sản xuất xoài bao trái sẽ mở ra hướng sản xuất mới an toàn, đảm bảo chất lượng trái, người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng.
Có thể bạn quan tâm

Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều gia đình ở xã Thụy Liên (Thái Thụy - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình anh Bùi Sỹ Trạng, thôn Cam Ðoài đang cho thu nhập rất ổn định, bình quân thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười nhìn thấy một biểu giá đi lên của loại thịt đại gia súc này: “Năm 1980, giá thịt bò chỉ bằng nửa giá thịt heo. Năm 1990, giá thịt bò bằng thịt heo. Năm 2000 giá đã gấp đôi, và đến năm 2010 thì đã gấp 4 lần!”.

Mấy năm trước, trong chuyến đi Quảng Trạch (Quảng Bình) nghe giới thiệu giống lúa mới, anh Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình (TCTNNQB) cho biết cùng với giống lúa, công ty đang tìm kiếm giống lạc mới nhằm thay thế giống lạc cũ năng suất quá thấp… Bước đầu công ty đã lai tạo được giống SVL1 bắt đầu trồng thử nghiệm...

Từ năm 2005 đến nay, huyện Tuy Phước (Bình Định) đã triển khai khá tốt Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp (DA WB3), phủ xanh rừng trồng trên đất trống, đồi núi trọc, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Chiều ngày 16/6, “Hội nghị Tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ quả vải vùng Đông - Tây Nam Bộ 2014” đã diễn ra tại TP.HCM, do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và UBND ba tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Bắc Giang, Hải Dương kết hợp tổ chức.