Hiệu Quả Từ Các Mô Hình Khuyến Nông, Khuyến Ngư

Năm 2013, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên đã xây dựng được 8 mô hình chuyển giao KHKT từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp; 3 mô hình từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông thôn do Chính phủ Đan Mạch viện trợ.
Các mô hình này đã góp phần nâng cao trình độ canh tác thâm canh cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bà Đặng Thị Hồng, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên cho biết: Triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông, khuyến ngư đã thực sự giúp nông dân có điều kiện tiếp cận tiến bộ KHKT, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từng bước nâng cao trình độ thâm canh trong trồng trọt, chăn nuôi, biết đầu tư chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi hợp lý.
Điển hình như Mô hình thâm canh lúa IR64 vụ đông xuân năm 2012 – 2013 và Mô hình cây đậu tương xuân trên đất 1 vụ lúa tại xã Na Ư. Kết quả: lúa đạt năng suất 55,8 tạ/ha, đậu tương đạt 17,8 tạ/ha.
Thông qua 2 mô hình này, người dân xã Na Ư đã có chuyển biến trong việc áp dụng giống ngô, lúa mới vào sản xuất (đạt trên 80% diện tích), thay đổi tập quán canh tác, tăng vụ, tăng thu nhập.
Mô hình trồng đậu tương trên đất dốc tại xã Mường Nhà được đánh giá là mô hình tác dụng kép, vừa cải tạo đất dốc, vừa tăng thu nhập với năng suất đạt 22 tạ/ha. Mô hình nuôi cá hệ VAC kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện tại xã Mường Lói, Núa Ngam, Thanh Yên đạt năng suất từ 4 – 5 tấn cá/ha/vụ, tăng 1,5 – 2 tấn/ha so với phương thức nuôi quảng canh; thu nhập bình quân đạt 80 – 110 triệu đồng/ha.
Sản phẩm cá đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dư lượng kháng sinh, hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… Từ những mô hình thử nghiệm hiệu quả, nhiều hộ dân sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất để vươn lên làm giàu.
Ông Cà Văn Hương, đội 9, xã Thanh Yên là một trong những người tham gia mô hình nuôi cá hệ VAC cho biết: Năm 2013, gia đình tôi đã tham gia mô hình do Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện triển khai với các loại cá trắm cỏ, chép, mè, rô phi.
Qua một thời gian nuôi, tôi thấy mô hình giảm được công chăm sóc, cá ít bị dịch bệnh, tận dụng được nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp. Sau khi mô hình kết thúc, với kinh nghiệm học hỏi được, tôi tiếp tục đầu tư mua cá giống về nuôi theo mô hình này trên diện tích hơn 3.000m2 ao. Vụ cá vừa rồi, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi được 8 triệu đồng.
Cùng với việc xây dựng các mô hình thâm canh cây trồng, vật nuôi, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên phối hợp với Ban Quản lý Dự án JICA xây dựng thí nghiệm sản xuất đối với cây lúa, ngô như: Thí nghiệm về mật độ (sạ hàng, cấy mạ khay), thí nghiệm các công thức bón phân, phòng trừ dịch bệnh... để đánh giá ưu, nhược điểm, vấn đề sinh trưởng của cây trồng tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên tiếp tục theo dõi, tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc năm thứ 2, thứ 3 cho các mô hình cây ăn quả đã thực hiện những năm trước, như: Mô hình trồng thanh long đỏ tại xã Thanh Yên; Mô hình trồng chanh, bưởi Diễn tại xã Thanh An; Mô hình nuôi cá hệ VAC tại Thanh Yên, Thanh An, Mường Phăng, Thanh Hưng; Mô hình hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất tại xã Thanh Xương…
Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm cá tra ở ĐBSCL, tới cuối năm 2014, với tên Pangasius, đã được xuất khẩu đến 151 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu hơn 1,76 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu được tinh chế thay vì chỉ xuất hàng phi-lê đông lạnh, giá trị con cá tra đồng bằng hẳn sẽ cạnh tranh được với cá thanh châu Âu.

Bất cập chất lượng, vùng nuôi thiếu ổn định… đã đẩy việc sản xuất và tiêu thụ cá tra thời gian qua gặp không ít khó khăn.

Ngư dân TP Tuy Hòa (Phú Yên) vừa được chuyển giao công nghệ đánh bắt cá ngừ đại dương sử dụng hệ thống chiếu sáng LED và câu mực xà lá (mực khổng lồ) theo công nghệ Nhật Bản. Đây là những công nghệ tiên tiến, đạt năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế đang được thử nghiệm đối với ngư dân Phú Yên.

7 giờ sáng, chiếc ca nô đưa đội công tác liên ngành rời cảng Phú Hài (Phan Thiết, Bình Thuận) đến với tàu tuần tra của Chi cục Thủy sản, bắt đầu hành trình ngày thứ ba trong cuộc chiến với “bẫy” tôm hùm. Có thể nói, đây là cuộc ra quân quyết liệt nhất từ trước đến nay để trả lại vẻ đẹp cho vùng biển Phan Thiết, lâu nay bị xâu xé bởi mạng lưới “bẫy” tôm hùm.

Với điều kiện đặc thù của nghề nuôi thủy sản lồng bè trên các vùng sông nước, vùng cửa biển thì việc có điện phục vụ nuôi trồng và sinh hoạt thường ngày là cả một vấn đề nan giải… Việc một ngư dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu mạnh dạn bỏ số tiền khá lớn đầu tư hệ thống điện gió và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt đã làm rất nhiều người không khỏi ngạc nhiên và thú vị.