Hiệu Quả Trồng Xen Canh Cây Ngắn Ngày Với Chè Mới Trồng

Từ năm 2012 đến nay, bà con xã Bản Bo (huyện Tam Đường, Lai Châu) đã tận dụng diện tích chè mới trồng (từ 1 - 3 tuổi) để trồng xen canh cây ngắn ngày (đậu tương, lạc), đem lại hiệu quả thiết thực.
Quan sát hai bên đường từ trung tâm xã Bản Bo dẫn tới các bản: Cốc Phát, Cốc Phung, Nậm Tàng, Hưng Phong, Nà Ly, chúng tôi thấy trên các sườn đồi phủ kín mầu xanh non của đậu tương, lạc xen lẫn cây chè. 3 năm qua, bà con trong xã đã trồng mới hơn 200ha chè.
Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, huyện Tam Đường đã hỗ trợ 100% giống (trong 3 năm) khuyến khích bà con xã Bản Bo trồng xen đậu tương, lạc trên diện tích chè mới trồng. Bởi cây chè phải có (từ 3 - 5 năm) mới cho thu hoạch búp.
Vì vậy, việc bà con trồng xen canh 2 vụ đậu tương, lạc/năm nhằm tái tạo chất dinh dưỡng trong đất cho cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, chống xói lở đất, tăng sản lượng cây có hạt. Với 1ha chè mới trồng, bà con xen canh 2 vụ đậu tương, lạc/năm, thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng.
Nhờ xen canh đậu tương, lạc trên diện tích chè, bà con có thêm một khoản thu nhập để trang trải gia đình. Tháng 4 vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cấp giống, phân bón cho bà con trong xã xen canh 105ha đậu tương và 32ha lạc.
Đến nay, đậu tương, lạc xen canh cây chè của xã đang ra hoa, quả. Một số bản đi đầu trong việc xen canh cây ngắn với cây chè như: Nà Sẳng, Nà Van, Bản Bo, Nà Út…
Trước đây, bà con ở bản Cốc Phát dựa vào sản xuất 1 vụ ngô, lúa địa phương không bón phân, phun thuốc nên năng suất cây có hạt thấp, tỷ hộ đói, nghèo cao.
Từ năm 2012 đến nay, chính quyền xã đã vận động bà con chuyển đổi nương, ruộng kém hiệu quả sang trồng 25ha chè. Để tăng thu nhập gia đình, bà con đã xen canh đậu tương trên diện tích chè mới trồng. Anh Giàng A Páo ở bản Cốc Phát tâm sự: “Ngày đầu tham gia trồng 2ha chè, tôi lo lắng vì thiếu lao động làm cỏ, vun xới.
Năm 2013, tôi đã tận dụng diện tích chè mới trồng chưa phát tán xen canh 2 vụ đậu tương/năm, thu nhập hơn 60 triệu đồng. Nhờ xen canh đậu tương, tôi có thêm một khoản thu nhập để trang trải gia đình và chăm sóc được chè mới trồng”.
Tính đến thời điểm này, bà con ở bản Cốc Phung đã trồng mới hơn 20ha chè. 100% diện tích chè mới trồng của bản đã được bà con trồng xen canh lạc, đậu tương. Một công đôi việc, bà con vừa có thu nhập từ đậu tương, lạc vừa chăm sóc được chè mới trồng.
Theo bà con thì ưu điểm của việc xen canh là hàng ngày chăm sóc cây ngắn ngày, nông dân có thể theo dõi tình hình phát triển của sâu, rầy hại chè, từ đó có những biện pháp phòng, trừ hiệu quả. Sau khi thu hoạch, thân, lá đậu tương, lạc phân hủy làm đất tơi xốp giúp cho cây chè phát triển tốt.
Ông Đỗ Trọng Thịnh - Cán bộ Địa chính Nông nghiệp xã Bản Bo (huyện Tam Đường) cho biết: “Trước đây, bà con xã Bản Bo đã được huyện hỗ trợ giống (lạc, đậu tương) xen canh với diện tích chè mới trồng.
Năm nay, (ngoài việc hỗ trợ giống) huyện còn hỗ trợ 100% vật tư, phân bón khuyến khích bà con xen canh hiệu quả. Mục đích của việc xen canh (lạc, đậu tương) là phương thức chăm sóc chè mới trồng.
Tuy nhiên, xã khuyến cáo bà con nên trồng xen canh các loại cây họ đậu (đậu tương, đậu đen, lạc) nhằm cải tạo đất cho cây chè phát triển…”.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ra quyết định phê duyệt danh sách các cơ sở đủ điều kiện tham gia “Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015”. Theo đó, 4 cơ sở đủ điều kiện gồm: cơ sở Nguyễn Văn Tạc (tổ 1, ấp Hải Sơn, xã Phước Hưng, huyện Long Điền);

Việt Nam có 7 sản phẩm nông sản (tiêu, cà phê, điều, gạo, cao su, thủy sản, trà) và 12 loại cây, con có năng suất cao đứng vào top đầu của thế giới. Với những kết quả ấy, lẽ ra nông dân Việt Nam phải giàu, thế nhưng, họ lại là những người có mức thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh...

Ngư dân Quảng Ngãi đã từng “bóp bụng” trước sự ép giá của “đầu nậu” vì hải sản bảo quản chưa tốt trong các chuyến đánh bắt xa bờ. Theo tinh thần của Nghị định 67 cho vay với số tiền lớn để đóng tàu mới công suất lớn vươn khơi, Quảng Ngãi đang hướng ngư dân đầu tư thiết bị hiện đại để bảo quản hải sản trên tàu đánh bắt xa bờ.

Những năm qua, ngư dân ở đây luôn phải cân nhắc, tính toán làm sao để chuyến biển có lãi. Có lãi, hay không có lãi, ngư dân cũng sẽ bám biển, bởi biển là cả cuộc sống của họ. Nhưng, điều rõ ràng, ngư dân sẽ mạnh dạn vươn khơi, nếu như không còn lo về lỗ tổn phí.

Men theo con đường uốn lượn rợp bóng dừa, chúng tôi tìm về vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất của xã Diễn Vạn - Diễn Châu. Mênh mông là những ao đầm nuôi cá nước ngọt, nuôi cá nước lợ được ngăn cách thành từng ao nuôi như những ô bàn cờ trông thật đẹp mắt.