Hiệu Quả Thấy Rõ, Nông Dân Phấn Khởi

Thời gian qua, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa bấp bênh, năng suất thấp, sang trồng các loại hoa màu mang hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình này hiện đang được nhân rộng tại các xã.
Mới đây, gia đình ông Trần Hưng ở xã Xuân Thịnh thu hoạch 4 sào (2.000m2) dưa hấu, năng suất đạt gần 21 tấn/ha. Ông Hưng cho hay: “Do ruộng ở khu vực đất pha cát thiếu độ ẩm, trồng dưa gặp nắng hạn nên nặng đầu tư hệ thống bơm tưới nước. Chi phí lên đến 37,5 triệu đồng/ha, thế nhưng với giá bán khoảng 3.700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, với 4 sào dưa gia đình tôi lãi gần 8 triệu đồng, cao hơn 3 lần so với trồng lúa”.
Cũng tại xã Xuân Thịnh, mô hình trồng dưa hấu phủ bạt trên diện tích 2.000m2 với 2 hộ nông dân tham gia cho năng suất 24 tấn/ha, cho lãi 4 triệu đồng/1.000m2, trong khi đó sản xuất ngoài mô hình chỉ cho lãi 1 triệu đồng/1.000m2. Hiệu quả kinh tế mang lại cao nên Phòng Kinh tế TX Sông Cầu tổ chức hội thảo đầu bờ để nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Văn Cường ở xã Xuân Thịnh, phấn khởi nói: “Sau khi tham quan, tôi áp dụng mô hình này tại ruộng lúa nhà mình trên diện tích 1.000m2. Việc trồng dưa được phủ bạt nên tiết kiệm nước tưới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Không chỉ gia đình tôi, hiện mô hình này đang được nhiều bà con trong xã áp dụng”.
Vụ lúa đông xuân 2013-2014, tại xã Xuân Bình triển khai mô hình trồng rau trên đất lúa với 0,5ha, năng suất bình quân đạt 14,8 tấn/ha. Với giá bán trung bình 12.500 đồng/kg, nông dân có thu nhập cao hơn gấp 11 lần so với trồng lúa. Nông dân Phạm Văn Hồng, áp dụng mô hình này, cho hay: “Tôi trồng 2 sào rau các loại để tiết kiệm nước tưới. Trong 3 tháng, tôi thu trên 10 triệu đồng, trong khi trước đây, cũng trên diện tích này, tôi trồng lúa, thu chẳng được bao nhiêu do thường xuyên thiếu nước tưới”.
Còn tại xã miền núi Xuân Lâm triển khai mô hình trồng bắp trên 10ha đất trồng lúa, cho năng suất 16,3 tấn/ha. Với giá bán 4.250 đồng/kg, lợi nhuận mang lại 49,4 triệu đồng, cao hơn 4 lần so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Công Toàn, Phó phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Địa phương có ít sông suối nên hệ thống thủy lợi hạn chế, khiến sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích thấp.
Vì vậy trong thời gian qua, thị xã triển khai các mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây hoa màu khác, bước đầu có hiệu quả cao, được nông dân tích cực hưởng ứng. Trong thời gian tới, thị xã có kế hoạch nhân rộng các mô hình này ra các xã trên địa bàn để giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Gần đây do một số loại cây trồng, vật nuôi bị dịch bệnh tấn công cũng như giá cả đầu ra liên tục rớt giá, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân; trong khi đó, nhiều hộ nông dân đang băn khoăn nên trồng cây gì, nuôi con gì để có đầu ra ổn định mà đặc biệt là để cải thiện kinh tế gia đình thì ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) có một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư thả nuôi gà và cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Trước thông tin gần đây nông dân ở một số tỉnh ồ ạt đốn ca cao để trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn, ông Trần Văn Nhịn, Trưởng Ban Quản trị Hợp tác xã (HTX) Ca cao Chợ Gạo (Tiền Giang) khẳng định: “Không có cây gì trồng xen vườn dừa hiệu quả hơn cây ca cao”.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định hỗ trợ gần 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2013 giúp nông dân xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm quýt đường Thuận Phú (xã Bình Phú, huyện Càng Long) và sản phẩm măng cụt Tân Quy (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè).

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Tam nông, tình hình các vùng nông thôn của Hà Giang đã có nhiều khởi sắc, thu nhập của nông dân không ngừng được nâng lên.

Nhằm giúp hội viên nâng cao thu nhập, Hội ND xã Đa phước, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã vận động các hộ nuôi tôm thành lập tổ hợp tác (THT) nuôi tôm nước ngọt.