Hiệu Quả Mô Hình Trồng Bí Xanh Và Sản Xuất Nấm Mộc Nhĩ Ở Hạ Hoà

Vụ đông 2013, Trạm khuyến nông Hạ Hoà phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Thọ xây dựng, trình diễn mô hình cánh đồng mẫu trồng bí xanh an toàn và mô hình sản xuất nấm, mộc nhĩ.
Mô hình trồng bí xanh an toàn vụ đông tại xã Văn Lang (Hạ Hoà) được triển khai trên quy mô 10 ha với 100 hộ nông dân tham gia trồng giống bí sặt HN 999. Đây là giống bí cao sản, quả thon dài (trung bình 60cm), thịt quả dày, ruột đặc, ăn không chua, trọng lượng 2-2,5 kg/quả. Trước khi trồng, bà con làm bầu cây con, sử dụng 35 - 40g giống/sào. Ra bầu, cây phát triển 2-3 lá thật thì thực hiện quy trình bón phân đều theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Trong quá trình chăm sóc, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn nông dân tỉa bớt quả, chỉ để 1 quả/cây, vặt bỏ quả bị cong queo, quả có hiện tượng bị sâu hại. Sau 3 tháng cho thu hoạch với trọng lượng đạt 1,5 kg/quả, năng suất 1.350 kg/sào (tương đương 37,5 tấn/ha). Với giá bán ra thị trường hiện nay 5.000 đồng/kg, 1 sào bí xanh cho thu 6.750.000 đồng, lãi 4.389.000 đồng/sào, gấp 6 lần trồng ngô.
Cùng với việc triển khai thực hiện mô hình, người dân trên địa bàn xã Văn Lang còn tự trồng 55 ha bí xanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Thành công bước đầu của mô hình trồng bí xanh an toàn là tiền đề để các hộ dân trong xã tạo quỹ đất và thời gian để mở rộng diện tích cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất.
Một số hộ trồng bí xanh ở xã Văn Lang cho biết năng suất trồng bí xanh cao, nhưng đòi hỏi phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là thời gian lên gièo phải vắt ngọn bí lên gièo không để bị gục. Nếu có đầu ra ổn định, các hộ dân sẽ nhân rộng mô hình vì cây bí xanh cho hiệu quả cao hơn trồng ngô 6 lần.
Tại xã Phương Viên, triển khai mô hình trồng mộc nhĩ với quy mô 30 tấn nguyên liệu cám cưa, giống nấm mộc nhĩ do Trung tâm công nghệ sinh học thực vật - Bộ NN và PTNT cung ứng. Hình thức tổ chức theo nhóm hộ, các hộ liên kết với nhau tạo thành nhóm sản xuất tập trung. Quá trình thực hiện theo quy trình kỹ thuật, cây nấm mộc nhĩ phát triển tốt, đường kính mũ nấm đạt 5-6cm, mỗi bịch 4 cụm nấm, trọng lượng trung bình là 0,04 kg nấm khô/bịch, năng suất đạt 48 - 51kg nấm khô/1 tấn nguyên liệu, giá bán 110.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, tương đương mỗi tấn nguyên liệu mùn cưa cho thu lãi 1.810.000 đồng.
Như vậy, mô hình trồng bí xanh đã giúp cho các hộ nông dân có thêm kiến thức KHKT trong thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là quy trình sản xuất rau an toàn. Mô hình sản xuất nấm mộc nhĩ được thực hiện cũng đã góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất nấm ăn trên địa bàn huyện, tạo ra một nghề sản xuất mới. Hiệu quả của 2 mô hình đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông ở các địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 16/12, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và đại diện 13 sở NNPTNT các tỉnh ĐBSCL đã ký biên bản ghi nhớ về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo trên cánh đồng mẫu lớn.

Với những biện pháp kết nối tiêu thụ từ cơ quan quản lý, rau an toàn (trồng theo tiêu chuẩn VietGap) của các hợp tác xã ở TP HCM đang được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, đầu ra cũng dần ổn định.

Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất lúa đặc biệt đối với địa hình trũng, năng suất lúa thấp, thu nhập nông hộ không ổn định được khắc phục bằng cách đưa nuôi trồng thủy sản vào cơ cấu mùa vụ theo hướng luân canh hoặc xen canh lúa + cá.

Vụ lúa đông xuân (ĐX) chín sớm ở các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL đang bắt đầu. Lúa gạo hàng hóa xuất khẩu không còn nhiều, giá cả giao dịch ở mức khá cao. Tuy nhiên, vào lúc này đồng lúa ở bên kia biên giới Campuchia vào mùa thu hoạch, một số thương lái có thêm nguồn hàng kinh doanh.

Năm 1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được phát động trong cả nước. Ở tỉnh Thái Nguyên, phong trào này cũng được phát triển sôi nổi trong các đơn vị nuôi cá quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp. Trại cá giống Cù Vân chính là nơi khởi đầu phong trào này của tỉnh.