Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Ao Đất

Về xã Yên Hồ (Đức Thọ - Hà Tĩnh) trong những ngày cuối thu, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã dẫn đi “mục sở thị” hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao đất của anh Lê Thanh Hà - một điển hình của công đoàn xã trong phát triển kinh tế.
Với gần 1,5 ha ao hồ mặt nước, trước đây, anh Lê Thanh Hà chủ yếu ương nuôi cá giống và nuôi cá thịt như trắm cỏ, chép, mè, trôi… doanh thu chỉ đạt 20-30 triệu đồng/năm, trong khi thị trường tiêu thụ lại khó khăn. Anh đã trăn trở làm thế nào để vừa tận dụng được diện tích sẵn có, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua nhiều năm tìm hiểu về mô hình nuôi tôm càng xanh xen ghép ở nhiều địa phương, đến đầu năm 2013, sau khi bán hết cá giống, anh Hà quyết định không nuôi cá thịt, mà ra tận Quảng Ninh mua 11 vạn con tôm giống càng xanh về thả nuôi.
Bước đầu do chưa có kinh nghiệm nên tôm bị chết gần nửa. Không nản chí, anh tiếp tục mua thêm 6 vạn con tôm giống về nuôi. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật nên tôm phát triển tốt. Sau gần 7 tháng thả nuôi, sản lượng tôm đạt khoảng 3.300 kg, với giá bán 230 ngàn đồng/kg, doanh thu khoảng 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi trên 250 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hà cho biết: “Tôm càng xanh rất dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, thu nhập cao gấp đôi so với cá, lại dễ tiêu thụ. Hiện nay, giá con giống hơi cao và rất khó khăn trong chọn lựa con giống chất lượng. Người nuôi phải có kinh nghiệm mới chọn được loại giống tốt”. Theo kinh nghiệm của anh, khi cho tôm ăn, rải thức ăn quanh ao, cách bờ chừng 3m và để lại khoảng 2-3% lượng thức ăn cho vào sàng để theo dõi, kiểm soát, vừa tiết kiệm vừa giảm ô nhiễm nguồn nước. Hàng tuần, bơm thêm nước vào ao hoặc xả nước bẩn ra. Trong những tháng đầu, định kỳ bón vôi bột 1 lần, liều lượng 20 kg/100 m2. Vôi được hòa tan trong nước và tạt đều khắp ao để làm sạch nguồn nước, giúp tôm nhanh lớn.
Mô hình nuôi tôm càng xanh xen ghép với các giống cá truyền thống trong ao đất đầu tiên của xã Yên Hồ đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đó cho thấy, tôm càng xanh có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng đất này, góp phần nâng cao đời sống người dân, giải quyết việc làm và góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, nước mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng 50km, độ mặn cao hơn và kéo dài. Vụ Đông Xuân 2012 - 2013, tỉnh Bến Tre có 9.600ha lúa bị thiệt hại nặng, trong đó có 760ha bị mất trắng.

Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có gần 5.000 ha trồng cà phê, trong đó hơn 4.400 ha cà phê đã cho thu hoạch, sản lượng hàng năm gần 48.000 tấn, mang lại nguồn thu gần 200 tỷ đồng.

Bên cạnh những loại cây cho trái chính vụ mùa Tết, nhiều loại cây để cho thu hoạch đúng thời điểm chuẩn bị mừng năm mới, nhà vườn phải chăm sóc, xử lý từ nhiều tháng trước đó.

Bên dòng Phước Giang trù phú, nhiều nông dân ở các xã Hành Nhân, Hành Minh (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) hiện đang hối hả vào mùa thu hoạch chôm chôm. Bà con phấn khởi vì chôm chôm được mùa, giá bán cũng khá ổn định.

Hiện nay, các nhà vườn trồng thanh long ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang thu hoạch lứa trái cuối cùng của vụ chính; so với cùng kỳ năm trước thì nông dân trồng loại cây này vừa mất giá vừa mất mùa.