Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Bò Vỗ Béo Giảm Nghèo Ở Phú Tân (An Giang)

Đề án nuôi bò vỗ béo giảm nghèo nằm trong kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 và kế hoạch giảm nghèo hàng năm của huyện Phú Tân. Theo hình thức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn không lãi suất để nuôi bò, sau 1 năm triển khai, đề án đã thu về những kết quả đáng mừng.
Phần lớn hộ nghèo đều có đặc điểm chung là không có tay nghề, thiếu thông tin nên không tìm được việc làm phù hợp. Một bộ phận hộ nghèo chọn nghề không phù hợp để học, thiếu tư liệu, thiếu điều kiện sản xuất nên không biết cách tổ chức sản xuất có hiệu quả. Đối với những hộ nghèo chí thú làm ăn, họ lại gặp khó ở chỗ thiếu vốn sản xuất nên không thể vươn lên thoát nghèo…
Nắm rõ thực trạng này, UBMTTQ huyện Phú Tân đã đề nghị với Ban Thường trực và Ban Vận động quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và trích 952 triệu đồng từ quỹ “Vì người nghèo” huyện để xây dựng mô hình “Nuôi bò vỗ béo thoát nghèo bền vững”. Bước đầu, huyện chọn 2 xã Phú Lâm và Phú Hiệp làm điểm.
Những hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ mua 2 con bò giống, bên cạnh các tiêu chí phải có đối với hộ gia đình, gồm: Có nơi xây dựng chuồng trại, có diện tích đất để trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn, có lao động… các hộ còn phải đảm bảo các yêu cầu đối với địa phương, như: Có việc làm và thu nhập không thường xuyên; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; có con trong độ tuổi đi học phải được đến trường và không tham gia các tệ nạn xã hội.
Theo từng bước nhân dần ra các xã, sau một năm thực hiện đề án, đã có 12 hộ thoát nghèo và 13 hộ thoát cận nghèo, cuộc sống đi vào ổn định. Nhiều hộ chí thú làm ăn đạt hiệu quả tốt, như: Hộ ông Phan Văn Tuấn (Phú Long), nuôi cặp bò 13 tháng, thu lãi 18,9 triệu đồng; hộ ông Cao Văn Cuôi (ngụ cùng xã) nuôi bò 13 tháng lãi 25 triệu đồng; hộ bà Nguyễn Thị Lang (Phú Thành), sau 12 tháng nuôi, lãi 24,4 triệu đồng… Đặc biệt, hộ ông Tăng Văn Bé qua 2 vòng nuôi (13 tháng) lãi 22 triệu đồng, trả 30 triệu đồng vốn và được chương trình “Mái ấm ATV” hỗ trợ cất căn nhà trị giá 62 triệu đồng.
Trong tổng số 41 hộ nghèo và cận nghèo tham gia đề án, đã có 19 hộ trả đủ vốn mượn ban đầu, 3 hộ trả một phần, 38 hộ có nhu cầu mượn vốn thêm một chu kỳ và 1 hộ có nhu cầu mới. Là gia đình thuộc diện cận nghèo, từ khi tham gia nuôi bò vỗ béo, anh Lê Hoàng Chua (xã Hòa Lạc) xem cặp bò là tài sản quý giá nhất. Hàng ngày, ngoài thời gian đi làm thuê, vợ chồng anh tranh thủ cắt cỏ ở khắp nơi, đảm bảo có đủ 120kg cỏ cho bò.
Anh cho biết, mô hình nuôi bò hiện nay rất phổ biến tại địa phương vì đầu ra thuận lợi, lại dễ nuôi, có nhiều thì giờ để làm thêm công việc khác nên đặc biệt hợp với hộ có lao động và thu nhập thấp. Để có đủ nguồn thức ăn cho bò, các hộ phải thuê thêm đất trồng cỏ, bổ sung cho bò ăn thêm tấm cám và các loại cỏ lúa, cỏ bờ… Sau 1 năm tham gia đề án nuôi bò vỗ béo, anh Chua bán cặp bò lời được 18 triệu đồng, hoàn trả vốn cho huyện, đồng thời tiếp tục đầu tư nuôi mới 2 con bò vỗ béo và 1 con nuôi rẻ (nuôi gửi, người nuôi và chủ sở hữu bò chia đôi lợi nhuận).
Rút kinh nghiệm sau 1 năm thực hiện, UBMTTQ huyện Phú Tân đánh giá: Đề án nuôi bò vỗ béo giảm nghèo có tính khả thi cao, đáp ứng nguyện vọng của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Người dân đã chuyển dần nhận thức từ việc được “cho” sang “mượn” và có trách nhiệm trả, từ đó các hộ nghèo tích cực hơn trong lao động, cố gắng vươn lên để có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế của các hộ, nếu chỉ dựa vào số tiền lãi bán bò để tái nuôi, quá trình thoát nghèo có thể kéo dài.
Để đề án “Nuôi bò vỗ béo giảm nghèo bền vững” phát huy hiệu quả tốt hơn, UBMTTQ huyện Phú Tân đã kiến nghị: Tăng thêm 1 chu kỳ cho vay đối với các hộ có nhu cầu thoát nghèo bền vững; tăng mức vốn cho mượn từ 35 đến 40 triệu đồng/hộ để mua được 2 con bò giống lớn hơn, sẽ cho tăng trọng nhanh hơn; tăng thời gian chu kỳ nuôi từ 12 tháng lên 18 tháng, nhân rộng mô hình ra toàn huyện.
Nguồn bài viết: http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Tin-trong-tinh/Hieu-qua-mo-hinh-nuoi-bo-vo-beo-giam-ngheo-o-Phu-Tan.html
Có thể bạn quan tâm

Trong những ngày này, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Thạch Thành đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Lang Chánh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, trong đó có việc ban hành Nghị quyết số 15 về “Phát triển cây cao su trên địa bàn huyện giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020”.

Cuối tháng 10-2014, kim ngạch xuất khẩu tiêu đạt 1,1 tỷ USD và lần đầu tiên hồ tiêu gia nhập “Câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD” của Việt Nam. Với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng này, tiêu Việt Nam đang thuộc nhóm các mặt hàng có vị thế cao trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN, hộ sản xuất xây dựng và đưa vào sản xuất các trại giống chất lượng cao như vịt siêu thịt ở huyện Châu Đức, gà lông màu tại 3 huyện Châu Đức, Tân Thành và Xuyên Mộc, phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai nhiều lớp tập huấn, giới thiệu kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi, vật nuôi chất lượng cao có thị trường lớn cho người dân và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo kế hoạch sản xuất rau xanh vụ Đông-Xuân 2014-2015, BR-VT sẽ xuống giống hơn 2.000ha rau các loại. Trong đó có khoảng 1.000ha rau phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Với diện tích rau khá lớn trong dịp Tết, ngành nông nghiệp đưa ra nhận định nguồn cung rau sẽ dồi dào và phải cạnh tranh mạnh mẽ với nguồn rau từ các địa phương khác đổ về.