Hiệu Quả Mô Hình Chuyển Đổi Diện Tích Chè Già Cỗi Sang Trồng Cây Keo Lấy Gỗ

Thời gian qua, nông dân ở Hạ Hòa đã đầu tư canh tác và chăm sóc chè trên diện tích đồi núi thấp và trong vườn nhà. Tuy vậy, cây chè qua 10 đến 15 năm cho thu hái đã chuyển sang giai đoạn già cỗi, tỷ lệ cho búp thấp, hiệu quả kinh tế không cao so với diện tích chè mới cho thu hái.
Trước thực trạng này, nông dân ở Hạ Hòa đã nhanh chóng, linh hoạt chuyển đổi diện tích cây chè già cỗi, cho thu nhập thấp sang trồng chè cành cho năng suất cao hoặc thay thế bằng cây keo lấy gỗ.
Trong quá trình chuyển đổi, tại những vùng đất thấp người dân trồng lại các giống chè mới để duy trì diện tích chè của địa phương; ở vùng đồi núi cao trồng xen cây keo lấy gỗ để dần thay thế cho cây chè đã già cỗi hoặc đã chết. Bởi cây keo lai lấy gỗ chịu hạn tốt, thích nghi với đất núi, thời gian cho thu hoạch ngắn.
Hiện nay Hạ Hòa đang phát triển tiểu thủ công nghiệp chế biến, sơ chế gỗ xẻ, gỗ ván ép xuất khẩu với gần 200 xưởng chế biến lớn nhỏ. Vì vậy, nhu cầu về gỗ nguyên liệu là khá lớn. Việc trồng thay thế cây keo lai trên diện tích cây chè đã già cỗi là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người nông dân ở Hạ Hòa.
Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, nông dân ở Hạ Hòa đã khảo sát diện tích chè già cỗi trên địa bàn để thực hiện trồng cây lấy gỗ thay thế.
Các xã như Ấm Hạ, Gia Điền, Phương Viên, Yên Kỳ, Hà Lương, Đại Phạm, Quân Khê… là những địa phương có diện tích chè già cỗi khá lớn và được đưa vào trồng thay thế bằng cây keo lấy gỗ theo quy mô lớn. Chỉ sau 5-7 năm, nhờ sự chăm sóc đúng kỹ thuật cây keo đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Trung ở khu 2 xã Ấm Hạ cách đây khoảng 10 năm, được coi là một trong những gia đình có diện tích chè lớn của xã và là hộ dân có thu nhập cao từ chè. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cây chè của gia đình ông đã thoái hóa dần do chè đã quá già và khả năng phát triển kém.
Vì vậy, gia đình ông Trung quyết định chuyển đổi mô hình cây chè đã già, kém chất lượng với diện tích gần 2 ha sang trồng cây keo lấy gỗ. Sau 7 năm, toàn bộ diện tích cây keo xen lẫn cây bồ đề, mỡ, bạch đàn của gia đình ông đã cho thu hoạch. Trừ chi phí cây giống, phân bón và công chăm sóc, gia đình ông Trung thu về gần 200 triệu đồng. Như vậy, so với việc đầu tư chăm sóc chè, việc trồng cây keo thay thế sẽ cho lợi nhuận cao hơn.
Trồng rừng kết hợp với trồng chè đã cho thấy sự nhạy bén của nông dân Hạ Hòa trong quá trình canh tác và sử dụng diện tích đất đã được giao.
Có thể bạn quan tâm

Theo nhiều nông dân trồng trái cây trên địa bàn tỉnh, vài năm trở lại đây, giá trái cây bấp bênh và ngày càng có xu hướng giảm.

Con rươi từ lâu đã nổi tiếng như là “lộc trời” ban tặng cho vùng đất Đệ tứ chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh).

Với nguồn tài nguyên nước phong phú, cùng diện tích mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang hơn 8.000ha, Nà Hang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Yên Thành được mệnh danh là “vựa lươn” nổi tiếng khắp tỉnh Nghệ An về lươn đồng. Loại “đặc sản” này hiện được nhiều tỉnh, thành trên cả nước biết đến như một thực phẩm sạch, thơm ngon, bổ dưỡng.

Sau khi tham quan và nhận thấy cách nuôi thủy sản trong ruộng lúa ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đạt hiệu quả cao, ông Trần Thành Đại (ở thôn Kiên Long, xã Bình Thành, tỉnh Bình Định) đã xây dựng một mô hình nuôi lươn, cá rô đồng trên diện tích gần 3 sào ruộng lúa.