Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Kinh Tế Từ Khoai Tây Vụ Đông

Hiệu Quả Kinh Tế Từ Khoai Tây Vụ Đông
Ngày đăng: 22/01/2014

Vài năm gần đây, cây khoai tây đã trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông, mang lại nguồn thu nhập cao nhất trong năm đối với nông dân xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ - Thái Bình). Những ngày cuối năm, thời tiết ấm dần lên, trên khắp các cánh đồng Phương Quả Ðông, Phương Quả Nam… bà con nông dân đang hối hả thu hoạch khoai tây.

Khoai tây là giống cây trồng thuộc nhóm ưa lạnh nên có nhiều lợi thế trong sản xuất vụ đông; với thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 90 ngày là có thể cho thu hoạch, lại dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất nên được nhiều nông dân Quỳnh Nguyên lựa chọn. Từ chỗ trồng vài héc ta đến nay, toàn xã đã trồng gần 80 ha trong tổng số trên 180 ha cây vụ đông và là địa phương có diện tích khoai tây lớn nhất huyện Quỳnh Phụ (chiếm gần 10% diện tích khoai tây của toàn huyện). Do ảnh hưởng của bão số 8 năm 2012 nên chất lượng khoai tây giống của bà con xã viên không bảo đảm, bị hư hỏng nhiều.

Vì vậy, để chủ động nguồn giống, ngay từ đầu vụ, HTX đã hợp đồng mua và cung ứng trên 9 tấn giống mới cho nông dân. Hơn nữa, nhằm hỗ trợ xã viên có điều kiện canh tác, mở rộng diện tích cây khoai tây, Ban chủ nhiệm HTX đã tiến hành cung cấp phân bón NPK trả chậm, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn tận tình cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây cũng như các loại cây vụ đông khác.

Mặc dù thời tiết năm nay không mấy thuận lợi, đầu vụ nắng ấm kéo dài, với nhiều đợt gió đông đúng vào thời gian ra hoa đậu củ, sương muối xuất hiện nhiều làm cây dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Nhưng do có kinh nghiệm trồng và chăm sóc từ nhiều năm nay nên năng suất khoai tây ở Quỳnh Nguyên vẫn đạt cao, từ 5 - 6 tạ/sào, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, tư thương xuống tận ruộng thu mua với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Vì vậy, năm nay nông dân sẽ có một cái Tết trọn vẹn, đầm ấm và phấn khởi, bởi khoai tây vừa được mùa, được giá - Ông Ðoàn Văn Huân, Chủ nhiệm HTX chia sẻ.

Trên cánh đồng Phương Quả Nam, chúng tôi gặp vợ chồng chị Ðào Thị Huệ đang thu hoạch khoai tây, chị cho biết: “Ðã nhiều năm nay, vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với 2 vụ lúa. Chúng tôi trồng hơn 5 sào vụ đông, trong đó 4 sào là khoai tây, còn hơn 1 sào trồng ớt. Giá ớt năm nay rất cao, lại được mùa nên gia đình tôi cũng có khoản thu nhập hơn 15 triệu đồng từ ớt.

Ðối với khoai tây, mặc dù giá trị kinh tế không cao bằng nhưng thời gian sinh trưởng ngắn, ít tốn công chăm sóc, sau khi trừ chi phí tiền giống, phân bón, thuốc sâu… cũng mang lại nguồn thu khoảng 15 triệu đồng cho gia đình. Với nguồn thu nhập này, không làm thì tiếc lắm. Ðấy là gia đình tôi bán tại ruộng, với giá đầu vụ 11.000 đồng/kg, hiện là 8.000 đồng/kg còn nhiều hộ có thời gian mang khoai tây lên Thành phố bán với giá cao hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg thì thu nhập còn cao hơn nhiều”. Còn đối với bà Trần Thị Hòa năm nay đã gần 60 tuổi thì nguồn thu nhập chính của 2 vợ chồng bà chính là vụ đông, với cây trồng chủ lực là khoai tây.

Không chỉ trồng 2 sào ruộng của gia đình, bà còn mượn hơn 3 sào ruộng của con gái để trồng khoai tây. Bởi, 2 vợ chồng con gái bà đi làm ở công ty chỉ tranh thủ cấy được 2 vụ lúa. Theo bà Hòa thì trồng khoai tây không vất vả lắm, thời gian ngắn, lại dễ tiêu thụ, phù hợp với đồng đất Quỳnh Nguyên. Sau khi trừ chi phí, hơn 5 sào khoai tây, với năng suất trung bình khoảng 5 tạ/sào cũng mang lại nguồn thu hơn 15 triệu đồng cho gia đình.

Ðến thời điểm này, cơ bản diện tích cây vụ đông đã được bà con nông dân xã Quỳnh Nguyên thu hoạch xong, nhiều khoảng ruộng trống đã được cày lật, phơi đất. Ai cũng bận mải, nhanh tay thu hoạch những diện tích vụ đông còn lại để kịp làm đất gieo cấy vụ lúa xuân. Với niềm vui được mùa, được giá, những người nông dân quanh năm gắn với đồng ruộng đã ấm lòng hơn khi Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đang cận kề.


Có thể bạn quan tâm

Phục Tráng Giống Cam Chanh Đặc Sản Ở Ninh Giang Phục Tráng Giống Cam Chanh Đặc Sản Ở Ninh Giang

Nhằm hồi phục và tiếp tục phát triển giống cam chanh đặc sản, từ năm 2011, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã triển khai đề tài “Chọn lọc và phục tráng giống cam chanh đặc sản của huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương” bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

14/05/2013
Giải Pháp Để Phát Triển Tôm Tam Nông (Đồng Tháp) Giải Pháp Để Phát Triển Tôm Tam Nông (Đồng Tháp)

Dự án tôm càng xanh trên địa bàn huyện Tam Nông phát triển được 9 năm, dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Tuy nhiên, quá trình sản xuất đã bộc lộ nhiều khó khăn, nhất là trong năm 2012 chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra sản phẩm không ổn định làm giảm lợi nhuận của người nuôi tôm…

21/05/2013
Nuôi Cua Biển Trong Rừng Ngập Mặn Ở Quảng Ninh Nuôi Cua Biển Trong Rừng Ngập Mặn Ở Quảng Ninh

Từ thực tế, anh Thiều Văn Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh) đã bắt tay nghiên cứu mô hình nuôi cua biển trong rừng ngập mặn nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay của hình thức nuôi cua biển trong các ao, đầm nước lợ, vùng cửa sông ven biển, đồng thời bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.

21/05/2013
Mô Hình Nuôi Thỏ Bước Đầu Giúp Dân Thoát Nghèo Mô Hình Nuôi Thỏ Bước Đầu Giúp Dân Thoát Nghèo

Thỏ lại là loài vật nuôi có vòng đời sản xuất rất ngắn, nhanh tăng đàn, hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy những ưu điểm đó, Phòng LĐ – TB&XH huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã triển khai mô hình nuôi thỏ cho 30 hộ nghèo ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú, bước đầu đạt kết quả khả quan.

21/05/2013
Thu Nhập Ổn Định Từ Chăn Nuôi Bò Sữa Thu Nhập Ổn Định Từ Chăn Nuôi Bò Sữa

Vài năm gần đây, rất nhiều gia đình ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) chú trọng vào nghề chăn nuôi bò sữa. Nhờ sự cần cù, chịu khó của bản thân, sự hỗ trợ tích cực về vốn lẫn kỹ thuật từ chính quyền địa phương, người dân đã biết cách nuôi bò sữa hiệu quả và đã có cuộc sống no đủ hơn.

21/05/2013