Hiệu Quả Dự Án Ngân Hàng Bò

Với lợi thế điều kiện chăn nuôi thuận lợi, việc hỗ trợ bò cho người dân miền núi đã mang lại kết quả khả quan. Dự án này đang được tiếp tục nhân rộng, huy động các nguồn lực xã hội để giúp người dân miền núi thoát nghèo.
Vợ chồng anh Bhnước Tư ở thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) là một trong số 20 hộ dân nghèo của xã được hỗ trợ bò giống từ dự án giúp đỡ người dân thoát nghèo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2010.
Qua thời gian chăn nuôi, từ một con bò giống ban đầu gia đình anh chị đã có thêm 4 con bê. Chị Alăng Thị Bíp (vợ anh Tư) cho biết, vừa rồi gia đình bán hai con bò được hơn 15 triệu đồng, thêm tiền vào sửa nhà, mua ti vi. Bao năm mơ ước làm cái nhà cho vững vàng nay mới thành hiện thực.
Ông Bhnước Báo – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Jơ Ngây cho biết, do địa bàn rộng, lượng cỏ tự nhiên dồi dào, nhất là ngay trong vườn mỗi hộ dân có thể đủ cỏ cung cấp quanh năm nên việc nuôi bò khá thuận lợi. Không riêng gì gia đình anh Tư, ở đây nhiều hộ dân được hỗ trợ bò, kinh tế gia đình dần khá lên. Điều đáng mừng, để tránh những rủi ro trong chăn nuôi, chính quyền địa phương đã có sáng kiến kêu gọi người dân cam kết trách nhiệm.
Bản cam kết được dán ngay trước cửa mỗi nhà dân, trong những điều khoản cam kết có nêu cụ thể việc chăn nuôi với mỗi gia đình phải được làm chuồng trại, không thả rông, sáng đưa ra vườn ra núi chăn thả thì chiều tối phải đón về chuồng trại. Vì quyền lợi liên quan trực tiếp đến mỗi người dân nên những hộ được nhận nuôi bò đều chấp hành nghiêm túc.
Trao đổi với chúng tôi về dự án hỗ trợ bò cho người dân ở địa phương, ông Lê Văn Hai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đông Giang cho biết, dự án “ngân hàng bò” giúp người nghèo miền núi Đông Giang được khởi động với 70 con bò thực hiện ở xã Ba, A Ting, Jơ Ngây đến nay qua kiểm tra cho thấy hiệu quả mang lại rất thiết thực.
Không ít hộ dân chưa được hỗ trợ cũng mong muốn có được bò để chăn dắt, học theo cách làm ăn của những hộ đã có bò. Anh Alăng Lời – thôn Bút Tưa, xã Jơ Ngây nói: “Chừ mình chỉ thích con bò thôi, có bò mới có thể làm ăn khấm khá được”.
Cảm động trước suy nghĩ thật thà của anh Lời, ông Phạm Phú Phương - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Điện Bàn (đơn vị kết nghĩa với huyện Đông Giang) cho biết trong năm 2014 sẽ vận động giúp huyện Đông Giang 20 con bò, gia đình anh Lời sẽ là một trong số 20 gia đình đầu tiên được hỗ trợ bò cho mục đích sinh kế, thoát nghèo.
Trong năm 2014, dự án “ngân hàng bò” giúp đồng bào thoát nghèo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trương tiếp tục được triển khai. Theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ vận động 250 con bò giúp đồng bào nghèo 9 huyện miền núi. Hiện các huyện, thành hội trong tỉnh huy động nguồn lực cho chương trình với tinh thần khá tích cực.
Đáng mừng, thời điểm này huyện Đại Lộc là địa phương đầu tiên của tỉnh đã hoàn thành kế hoạch vận động được 20 con bò giúp huyện kết nghĩa Nam Giang. Ông Thái Văn Quang – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đại Lộc cho biết, trong tháng 5 tới đây 20 con bò giống sẽ trao tận tay người dân.
Được biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã vận động được gần 600 triệu đồng trong chương trình dự án “ngân hàng bò” giúp đồng bào thoát nghèo. Với phương châm lấy hiệu quả làm thước đo, hy vọng dự án sẽ huy động được nhiều hơn nguồn lực xã hội, giúp được nhiều người dân thoát nghèo, tìm được sinh kế bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) là một trong những xã có tỷ lệ đàn bò lai lớn nhất tỉnh, với 75% so với tổng đàn. Nuôi bò lai sinh sản đã có lãi, một số hộ còn chuyển sang nuôi bò lai vỗ béo nên thu nhập càng cao.

sinh thực phẩm. Vấn đề hiện nay là cần sự hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo sự đồng bộ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Mặc dù đã có tiếng tăm về uy tín, chất lượng sản phẩm nhưng cá khô của làng nghề vẫn chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc vào hệ thống các siêu thị.

Là thành phố cảng biển, du lịch - một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thị trường tiêu thụ ở Hải Phòng rộng mở cho nhiều nông sản. Đây là hướng mở cho nhiều sản phẩm của các tỉnh, thành phố về đất Cảng, trong đó có gà đồi Yên Thế (Bắc Giang).

Hồi 13 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão (tên quốc tế là Krosa) ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 128,4 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 670km về phía Đông.

Trong khi nhiều loại nông sản trong khu vực Tây Nguyên liên tục giảm giá thì với mỗi héc-ta mía, người dân ở Kon Tum vẫn thu lãi từ 35 đến 55 triệu đồng. Đáng nói hơn là lợi nhuận mà người dân có được từ cây mía tại địa phương này đã ổn định nhiều năm nay.