Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Tại Hòa Mỹ Tây (Phú Yên)

Nhận thấy cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Phú Yên triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại 4 hộ với quy mô 0,3ha tại xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa).
Các hộ tham gia mô hình thả nuôi 30.000 con cá, mật độ 10 con/m2, được hỗ trợ 100% cá giống và 30% thức ăn, với tổng kinh phí thực hiện hơn 60 triệu đồng.
Để mô hình được triển khai thuận lợi và đạt hiệu quả cao, các hộ tham gia mô hình phải thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật đề ra, như: thực hiện đúng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, nâng cao giá trị sản xuất…
Ngoài ra, Ban quản trị HTX Hòa Mỹ Tây đứng ra làm đại diện cho nhóm hộ tham gia thực hiện mô hình và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh ký hợp đồng lao động với 1 cán bộ kỹ thuật để theo dõi và hướng dẫn cho các hộ tham gia mô hình.
Trong suốt quá trình nuôi, cá không xảy ra dịch bệnh, tỉ lệ cá sống đạt 77%, cao hơn mục tiêu đề ra 7%. Sau 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 8 đến 9 con/kg, năng suất ước đạt 8,1 tấn/ha, cao hơn mục tiêu đề ra 1,1 tấn/ha.
Giá bán cá thương phẩm ngay tại hộ nuôi 50.000 đồng/kg, còn bán để làm cá giống thì từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg. Ông Huỳnh Kim Trung tham gia mô hình nuôi cá rô đầu vuông tại xã Hòa Mỹ Tây cho biết: Tôi nuôi 10.000 con cá rô đầu vuông trên diện tích 1.000m2.
Lúc mới tham gia mô hình này, nhiều người cho rằng tôi sẽ không thu được kết quả gì. Tuy nhiên, nhờ được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và huyện tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cá trong suốt thời gian nuôi, kết quả thu lãi gần 20 triệu đồng. Bây giờ tôi rất tự tin khi triển trai mô hình này.
Còn ông Trần Phước Sanh cũng tham gia mô hình này cho hay, mặc dù cá rô đầu vuông thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng việc cải tạo ao nuôi cũng phải hết sức cẩn thận. Ao phải chắc chắn, bờ ao phải thông thoáng, xung quanh ao nên rào lưới hoặc lát bê tông để ngăn không cho cá thoát ra ngoài. “Hình dáng cá rô đầu vuông giống như cá rô đồng nhưng khi cá có kích cỡ lớn, đầu cá có hình hơi vuông, thân dài có hai chấm đen ở gần đuôi và mang cá.
Cá có đặc tính sinh học tương tự như cá rô đồng, nguồn thức ăn của cá khá đa dạng và phong phú, cá có thể ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, thức ăn tươi sống như cá tạp, tôm tép, ốc và các loại phế phẩm nông nghiệp như bột bắp, bột cám”, ông Sanh chia sẻ.
Ông Trần Văn Thái, Phó chủ nhiệm HTX Hòa Mỹ Tây nhận xét: Cá rô đầu vuông thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương, sinh trưởng nhanh, kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, sẽ là điều kiện quan trọng để nhân rộng mô hình này, góp phần giúp nông dân xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Nguyễn Khắc Tân, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, tổng chi phí triển khai mô hình này gần 60 triệu đồng, khi thu hoạch, cá bán được 120 triệu đồng. Đây là đối tượng nuôi mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của nông dân địa phương. Việc tiêu thụ cá trên thị trường cũng khá thuận lợi nên hiện có nhiều nông dân muốn tham gia.
Có thể bạn quan tâm

Virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) thuộc họ Nimaviridae, có cấu trúc virion có dạng hình trụ đến elip hoặc hình trứng, rộng khoảng 121±9nm, dài khoảng 276±26nm, có vỏ bọc, không có thể vùi. Bộ gen của virus này là DNA sợi đôi với kích thước khoảng 305 kb. Đây là loại virus gây chết tôm nhiều, nhanh nhất và có khả năng lây nhiễm cao. Khi thâm nhập vào cơ thể tôm, loại virus này cư trú ở nhiều bộ phận như mô nội bì, mô dạ dày, mang, buồng trứng (hay tinh hoàn), hệ thống thần kinh, mắt, chân bơi… Khi nhiễm bệnh, tôm có màu đỏ hồng, đốm trắng ở vỏ giáp đầu ngực, tỷ lệ tôm bị chết khi nhiễm bệnh lên đến 80-100%.

Trong những tháng qua, ở Ninh Thuận, “sự cố” tôm nuôi chết hàng loạt đã làm các vùng nuôi tôm Đầm Nại (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) trở nên ảm đạm thấy rõ. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh cho biết: “Bệnh lạ từng được nói tới vài tháng trước giờ đã được các nhà khoa học định danh là hội chứng tôm chết sớm bởi bệnh hoại tử gan tụy, có điều chưa tìm ra tác nhân”.

Hiện nay, thỏ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trong tỉnh Bắc Giang. Thêm vào đó, đầu tháng 6-2013, Công ty dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản khởi công xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) với công suất chế biến, tiêu thụ 2 triệu con thỏ thương phẩm/năm, mở ra triển vọng cho nghề chăn nuôi thỏ ở Bắc Giang.

So với cùng kỳ năm trước, giá lươn thu mua tại bồn thời điểm này tuy có thấp hơn chút đỉnh nhưng người nuôi lươn vẫn phấn khởi vì lợi nhuận cao. Mô hình nuôi lươn trong bồn không sử dụng nhiều vốn, không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ cần chịu khó chăm sóc là có thể bỏ túi vài chục triệu đồng sau 5 - 7 tháng thả nuôi.

Theo kết quả đánh giá về phát triển kinh tế của UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về phát triển nông nghiệp đến tháng 7/2012 thì khả quan nhất vẫn là chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt là hươu.