Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu ở Cầu Ngang (Trà Vinh)

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu ở Cầu Ngang (Trà Vinh)
Ngày đăng: 14/08/2015

Xã Long Sơn, Nhị Trường, Thạnh Hòa Sơn, Mỹ Long Bắc… là vùng đất giồng cát gò cao so với nhiều địa phương khác trong huyện Cầu Ngang, do đó sản xuất lúa, hoa màu luôn thiếu nước tưới nhất là vụ hè thu. Những năm gần đây được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, hàng năm diện tích trồng màu ở huyện Cầu Ngang phát triển hơn 10.000 ha. Riêng 7 tháng đầu năm 2015, toàn huyện trồng được 10.500 ha màu các loại, tăng 2.000 ha so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, các cây trồng mới kinh tế cao như: cây bắp giống, đậu bắp giống được Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đầu tư và bao tiêu sản phẩm nên nông dân an tâm mở rộng diện tích canh tác. Lợi nhuận những cây trồng mới chịu hạn thích ứng với vùng đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả cao gấp 1,5 đến 2 lần so với cây lúa. Điển hình mô hình trồng cây bắp giống do Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam liên kết với nông dân xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, vụ đông xuân 2014 - 2015 năng suất trung bình đạt 8 đến 10 tấn/ha/vụ, trừ chi phí nông dân lợi nhuận cao gấp 3 đến 5 lần trồng lúa.

Nông dân Thạch Thi, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang cho biết: “Trồng lúa thiếu nước, năm 2014 - 2015, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ nông dân trồng bắp, bao tiêu giá đầu ra. Trồng bắp giống mỗi công cho năng suất 800 đến 1.000kg, trừ chi phí lãi 3 đến 5 triệu đồng/công, gấp 3 đến 4 lần trồng lúa. Nông dân ở đây giờ chuyển sang trồng 1 vụ lúa 1 vụ bắp nhiều rồi. Trồng bắp không lo đầu ra, trong khi giá lúa thì lên xuống thất thường”.

Theo Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, trong những năm qua huyện đã chuyển đổi hàng ngàn ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Tại xã Long Sơn, sau hiệu quả cây bắp giống, trong 3 mùa vụ gần đây bà con nông dân được Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đầu tư hỗ trợ hạt giống để trồng đậu bắp giống. Vụ màu 2015, nhiều hộ nông dân trong xã tham gia trồng giống đậu VN-1. Giống đậu này có thời gian sinh trưởng từ khi xuống giống đến lúc khô trái cho thu hoạch là 100 ngày.

Đây là loại đậu do Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam thu mua để nhân giống, chính vì vậy sau khi nông dân thu họach công ty sẽ thu hồi số lượng giống đầu tư, sản phẩm còn lại được công ty bao tiêu toàn bộ. Nông dân Nguyễn Minh Sang, ấp Bào Mốt, xã Long Sơn trồng 4 công đậu bắp giống, hiện đậu đang phát triển tốt, ước lợi nhuận hơn 20 triệu đồng. Nông dân Nguyễn Minh Sang phấn khởi nói: “Vụ đậu bắp 2015 này là năm thứ 3 nông dân ở đây trồng thử nghiệm. So 2 vụ trước vụ này năng suất khá hơn nhờ bà con rút ra được kinh nghiệm canh tác. Năng suất đậu bắp giống của bà con đạt từ 1.000 - 1.400kg đậu khô/ha và với giá công ty bao tiêu 55 ngàn đồng/kg, trừ các chi phí khoảng 20 triệu/ha nông dân cũng có lãi từ 45 - 50 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa trước đây”.

Đánh giá hiệu quả kinh tế cây đậu bắp giống so với cây trồng khác tại địa phương, theo bà Quách Thị Thủy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang: “Trong khi nhiều mặt hàng nông sản do nông dân sản xuất giá cả bấp bênh thì ở Long Sơn cây bắp giống và cây đậu bắp giống, nhờ liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam, đã đem lại cho nông dân nguồn lãi khá. Có thể khẳng định cây bắp giống và đậu bắp giống đang góp phần xóa đói giảm nghèo có hiệu quả trên vùng đất gò cao sản xuất lúa kém hiệu quả trước tác động bất lợi của thời tiết, của biến đổi khí hậu.

Với những thành công nói trên, có thể khẳng định việc chuyển đổi cây trồng mới, đặc biệt là bắp giống, đậu bắp giống trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả ở các xã Long Sơn, Nhị Trường, Thạnh Hòa Sơn… của huyện Cầu Ngang đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, được lòng dân. Do đó, ngành nông nghiệp huyện Cầu Ngang khuyến khích nông dân phát triển cây trồng mới này trong năm 2016, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Chính sách mới cho nông nghiệp, nông thôn phát triển Chính sách mới cho nông nghiệp, nông thôn phát triển

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2015/NĐ – CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 41 trước đây sẽ có hiệu lực từ ngày 25.7.2015. Chính sách mới này nhằm đáp ứng tốt hơn việc vay vốn phát triển nông nghiệp, cũng như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

28/07/2015
Hướng Hóa phát triển có hiệu quả cây thanh long ruột đỏ Hướng Hóa phát triển có hiệu quả cây thanh long ruột đỏ

Là một địa phương có thế mạnh về đất đỏ ba dan phù hợp với các loại cây trồng lâu năm, trong đó có cây ăn quả, những năm qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đầu tư trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới là cây dài ngày như cây chanh leo, bời lời đỏ, thanh long ruột đỏ... nhằm tìm ra những loại cây phù hợp đưa lại giá trị kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh từ đất đai và lao động. Cây thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây trồng mới được các hộ nông dân đưa vào trồng thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế khá.

28/07/2015
Nhãn lồng Hưng Yên mất mùa Nhãn lồng Hưng Yên mất mùa

Vào trung tuần tháng 8 là mùa nhãn lồng Hưng Yên nhưng năm nay, bà con “ủ rũ” vì trong vườn xuất hiện những cây nhãn không quả.

28/07/2015
Giảm giá thành cá tra Giảm giá thành cá tra

Thời gian qua nhiều cơ sở nuôi cá tra thua lỗ, thậm chí bị phá sản do không bán được cá hoặc bán với giá thấp, tỉ lệ ao nuôi không chiếm 60 - 70%.

28/07/2015
Sản xuất rau an toàn còn nhiều khó khăn Sản xuất rau an toàn còn nhiều khó khăn

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2015, các vùng dự án rau an toàn (RAT) của tỉnh tiếp tục được sản xuất với diện tích 157,5/360ha, đạt 43,7% kế hoạch năm. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án sản xuất RAT còn một số khó khăn nhất định, một số nơi mô hình chỉ dừng lại ở mức độ trình diễn.

28/07/2015