Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trồng Măng Tây Xanh

Nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, đạt hiệu quả cao, sau một thời gian tìm hiểu về kỹ thuật trồng măng tây xanh ở một số địa phương và nhận thấy điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, tháng 8-2012, 10 hộ dân ở thôn Tri Thủy 1 đã chuyển đổi 2 ha đất trồng hoa màu cho năng suất thấp sang trồng măng tây xanh.
Để cây trồng đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân xã Tri Hải đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã hỗ trợ cho các hộ thực hiện mô hình được vay 10 triệu đồng từ ngồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới để đầu tư vào sản xuất.
Mặc dù vừa trải qua đợt nắng nóng kéo dài, song toàn bộ diện tích măng tây xanh vẫn phát triển xanh tốt và cho thu hoạch mỗi ngày. Anh Lâm Hồng Chiến, người tham gia mô hình ở thôn Tri Thủy 1 phấn khởi cho biết, từ những kiến thức học được, anh đầu tư 2 sào đất trồng măng tây xanh, sau thời gian chăm sóc, măng đã cho thu hoạch. Hiện nay, với giá bán măng từ 25.000 đồng đến 60.000 đồng/kg (tùy loại) gia đình thu được khoảng 300.000 đồng/ngày.
Cùng chung niềm vui, anh Nguyễn Văn Sanh thổ lộ: Đây là cây trồng cho thu nhập tương đối cao, đầu ra cho sản phẩm không phải lo. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm măng của gia đình và các hộ dân được HTX Sản xuất rau an toàn Văn Hải (ở phường Văn Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) thu mua.
Với 2 sào đất trồng măng, trung bình mỗi ngày gia đình cắt bán được 250.000 – 300.000 đồng, trừ chi phí mỗi tháng thu lãi từ 7 đến 8 triệu đồng.
Theo anh Sanh, măng tây xanh là một loại rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, nhưng thân mềm, thích hợp với độ ẩm cao nên đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc.
Để cây không bị ngã đổ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển cũng như năng suất, ngay khi trồng phải làm giàn cho măng. Bởi măng là loại cây trồng cho thu hoạch quanh năm, năng suất tăng dần theo thời gian khai thác kéo dài được từ 5 đến 7 năm, vì vậy nếu chăm sóc tốt cây măng mang lại kinh tế cao hơn nhiều các cây trồng khác.
Ông Trần Đình Phẩm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Hải phấn khởi: Với hiệu quả của mô hình trồng măng tây xanh ở thôn Tri Thủy 1, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình trồng măng tây xanh, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, khắp nơi trong tỉnh, bà con nông dân đồng loạt ra đồng thu hoạch lúa xuân. Những bó lúa trĩu hạt và những nụ cười vui của người nông dân cho thấy lại có một vụ lúa thắng lợi to....

Những năm gần đây, xã Chân Sơn (Yên Sơn) đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá mạnh mẽ, bước đầu tạo ra sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Với lợi thế trên 11.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 2 hồ chứa lớn là hồ thủy điện Tuyên Quang và hồ thủy điện Chiêm Hóa, việc khai thác, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đang được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm..

Thời điểm này, trên khắp những cánh đồng ở huyện Nà Hang, bà con nông dân đang hồ hởi bước vào một mùa vụ mới với nhiều niềm vui, phấn khởi từ những thắng lợi của vụ xuân, hứa hẹn những mùa vàng nặng hạt..

Là loại cây công nghiệp rất kén đất, nhưng đã hợp đất rồi thì phát triển rất nhanh, cho sản phẩm nhiều, giá trị kinh tế cao... cây sơn ta đã được khẳng định ở xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) khi ngày càng nhiều nông dân giàu lên nhờ trồng cây này....