Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trợ Vốn Cho Hộ Nghèo Nuôi Ếch Ở Tiền Giang

Dự án sản xuất phát triển kinh tế hộ được triển khai đến các hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành - Tiền Giang), từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 với sự tham gia của 20 hộ. Đây là những hộ khó khăn, không có nhiều đất cũng như vốn sản xuất nhưng chăm chỉ làm ăn và mong muốn thoát nghèo.
Tham gia vào dự án, các hộ được hỗ trợ số vốn ban đầu là 5 triệu đồng (nguồn vốn từ Công ty Xăng dầu Hồng Đức cho mượn, không tính lãi). Đây là một trong những nỗ lực nhằm giảm nghèo cho bà con trong xã của Ủy ban MTTQ và Hội Nông dân.
Dự kiến, sau 1 năm, vốn sẽ được thu hồi và dự án sẽ kết thúc. Với số vốn này, các hộ sẽ tham gia nuôi ếch thương phẩm trong 3 vụ, mỗi vụ khoảng 75 ngày.
Lần đầu tiên, tùy theo sự tính toán, mỗi hộ sẽ nuôi từ 1.000 đến 2.500 con ếch và có thể tăng dần theo khả năng trong thời gian thực hiện dự án.
Theo dự kiến ban đầu, ếch giống khoảng 1.500 đồng/con. Như vậy hộ nuôi 1.000 con sẽ tốn 1,5 triệu tiền giống. Thức ăn khoảng 3,5 triệu, chuồng trại và các chi phí khác là khoảng 1 triệu. Mức giá trung bình của ếch thương phẩm này khoảng 34.000 đồng/kg, sau 3 tháng (trừ hao hụt khoảng 30%) thì người nuôi có thể lời ít nhất 1 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, ếch lớn, lượng hao hụt ít thì số tiền lời có thể tăng lên.
Ông Nguyễn Hồng Phước, Bí thư Chi bộ ấp Tân Thuận B là một trong những hộ “đi đầu” trong phong trào nuôi ếch thương phẩm của xã. Ông Phước cho biết: Nuôi ếch không cần đất rộng, vì chỉ cần 50 m2 là có thể nuôi được 4.000 đến 5.000 con ếch.
Hộ nghèo, chỉ cần 1 khoảng đất nhỏ khoảng 10 m2 là có thể nuôi ếch kiếm lời. Việc chuẩn bị nuôi ếch cũng không quá khó khăn. Chỉ cần xây chuồng có 4 vách (cao khoảng 2,5m) để tránh ếch nhảy ra, đáy chuồng trải cát, tạo rãnh thoát nước, bên trong chuồng trải bạt để chứa nước, mái có thể che tạm bằng lá dừa... là có thể bắt tay vào nuôi.
Theo ông Phước, nuôi ếch là nghề khá hợp với các hộ dân vì công chăm sóc không nhiều, có thể sắp xếp để làm xen với việc đồng áng, ruộng vườn hay buôn bán. Để đạt hiệu quả mô hình này, ông Phước đã đi học khá nhiều nơi. Lúc đầu là học nuôi lươn, kỳ đà, rắn, rồi mới đến nuôi ếch...
Do những giống kia chi phí khá cao nên ông chọn mô hình nuôi ếch, hợp với số vốn ít của bà con nghèo. Lúc đầu, ông và một người bạn nuôi thử, thấy hiệu quả mới báo Trung tâm Khuyến nông và tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.
Người tham gia tiếp theo chỉ là anh em trong chi bộ. Cũng thời điểm này, hộ của ông là 1 trong 3 hộ được MTTQ xã và Hội Nông dân chọn tổ chức thí điểm chăn nuôi ếch thương phẩm. Sau 3 lần nuôi, nhận thấy thật sự hiệu quả nên MTTQ xã cùng Hội Nông dân đã tổ chức phát động cho các hộ nghèo gắn với hô hình này.
Ông Phước cũng cho biết thêm: Trong 20 hộ thực hiện dự án lần này, chỉ có 6 hộ là mới thực hiện. Còn những hộ khác đã nuôi lần 2, lần 3 nên đã có kinh nghiệm nhiều. Ngoài ra, ông Phước thường tổ chức họp các hộ nuôi trong ấp 1 lần/tháng.
Đây là dịp để người nuôi chia sẻ khó khăn và nhờ trợ giúp kỹ thuật; những hộ khá hơn hoặc có chút kinh nghiệm sẽ cùng chia sẻ với những hộ yếu hơn. Đây cũng là cách thắt chặt tình làng nghĩa xóm và giúp nhau thoát nghèo của bà con trong ấp.
Có thể bạn quan tâm

Ông Tạ Tiến- Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Sơn Hà cho biết: Để tránh tình trạng chặt phá để thu hoạch như cây ươi vừa rồi, kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền các xã, đặc biệt là Sơn Kỳ để tuần tra, ngăn chặn và xử lý các trường hợp đốn hạ cả cây để thu hoạch.

Thị trường EU có hệ thống kiểm tra chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát (loại rào cản TBT); Hoa Kỳ: Luật hiện đại hóa thực phẩm (loại rào cản SPS, TBT), Luật trang trại (loại rào cản SPS), điều tra chống bán phá giá cá tra có nguy cơ lặp lại...

Không sử dụng bất kỳ loại thuốc BVTV nào nhưng vườn mít của ông Lương Văn Tám (Tám Quýt), 63 tuổi ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) vẫn xanh tốt, cho trái to, đẹp và được thị trường ưa chuộng.

Trước tình trạng chất lượng con tôm giống chưa được kiểm soát tốt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh gấp rút triển khai chương trình quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung đến năm 2020.

Với kinh nghiệm lâu năm của mình, ông Phán đầu tư nuôi trăn, rắn, trong chuồng rắn rộng khoảng 50m2 lúc nào cũng có trên trăm cặp rắn bố mẹ. Được chăm sóc chu đáo nên rắn của gia đình ông lớn nhanh, đẻ khỏe, ít dịch bệnh. Mỗi năm, ông Phán thu về ngót trăm triệu đồng từ bán rắn thịt và rắn giống.