Hiệu quả bước đầu từ cây thanh long

Chúng tôi đến nhà anh Sơn khi anh đang cùng kỹ thuật viên chăm sóc vườn thanh long rộng lớn, trải dài ngút tầm mắt.
Anh Sơn cho biết, cách đây hơn 10 năm, anh mua đất làm trang trại nuôi bò nhưng không hiệu quả. Hơn 5ha đất đành bỏ trống một thời gian dài.
Năm 2014, trong một lần về thăm người thân ở Bình Thuận, thấy hiệu quả của cây thanh long, anh nuôi ý tưởng đưa loại cây này về trồng ở quê.
Tháng 3-2014, anh nhờ người thân từ Bình Thuận ra Vạn Ninh tìm hiểu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng xem nơi này có hợp với cây thanh long hay không để trồng.
“Ban đầu cũng khá vất vả, tôi phải mua cây giống, thuê khuôn đúc trụ từ Bình Thuận chuyển về và đưa máy xúc, ủi cải tạo đất đai. Trong vòng hơn 1 tháng, 1.100 trụ thanh long đã được trồng trên diện tích hơn 1ha, chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng.
Do chưa có kinh nghiệm nên tôi phải thuê một người chuyên trồng thanh long ở Bình Thuận ra hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây”, anh Sơn chia sẻ.
Cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Sơn
Để trồng thành công cây thanh long, theo anh Sơn, có thể dùng trụ bê tông, trồng 4 thân chia đều theo 4 hướng, nên cắt bỏ phần thịt của dây thanh long giống, chỉ giữ lại phần lõi giữa để tránh úng thối làm chết cây.
Mùa mưa nên khơi thông nước, tránh tù đọng; mùa khô tưới nước phù hợp, dùng cỏ hoặc rơm để ủ giữ ẩm gốc cây; nên tỉa cành sao cho tán cây tỏa đều, cắt tỉa theo nguyên tắc “1 mẹ - 2 con” (1 cành mẹ - 2 cành con).
Khi thanh long ra bông, chỉ nên duy trì 1 trái/dây thanh long để cho quả to, chất lượng ngon nhất. Hiện gia đình anh Sơn đã áp dụng chong điện cho cây thanh long ra trái theo ý muốn.
Sau 1 năm rưỡi, vườn thanh long của anh Sơn phát triển tốt và đã cho trái. Anh Nguyễn Văn Đông, kỹ thuật viên chăm sóc thanh long cho biết:
“Vùng đất Vạn Khánh thổ nhưỡng tốt, đất cát pha khá phù hợp với cây thanh long. Vì vậy, cây phát triển nhanh và đọt to. Cây thanh long thường phải năm thứ 3 mới để trái thu hoạch, có như vậy cây mới khỏe và cho trái đều, bền.
Vườn của anh Sơn mới 1 năm rưỡi đã cho trái với số lượng nhiều nên chúng tôi hầu như cắt bỏ, chỉ giữ lại số ít”. 9 tháng qua, vườn thanh long đã ra trái tới 5 lần, tuy đã cắt bỏ nhiều nhưng anh Sơn cũng thu được hơn 3 tấn, với giá bán ra 15.000 đồng/kg. Chất lượng thanh long thơm ngon, mềm, ngọt dịu.
Anh Sơn cho biết, bước đầu cây thanh long đã mang lại hiệu quả kinh tế. Trung bình mỗi trái đạt 0,5 - 0,7kg, cá biệt có những trái đạt hơn 1kg.
Để tăng hiệu quả của cây thanh long, anh còn mua 28 con bò về nuôi, vừa bán thịt, vừa lấy phân bón. Việc bón phân hữu cơ sẽ giúp cho cây khỏe, ít sâu bệnh và chất lượng trái đậm đà hơn.
Nhận thấy hiệu quả ban đầu từ vườn thanh long nên anh đang cải tạo tiếp hơn 2ha để trồng thêm 1.500 trụ thanh long.
Ông Trần Văn Đệ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Khánh cho biết: “Mô hình trồng thanh long của gia đình anh Sơn thực sự là bước đột phá trong chuyển đổi cây trồng. Bởi trước đây vùng đất thôn Suối Hàng, Vạn Khánh người dân chủ yếu trồng rau củ quả nhưng không hiệu quả và đành bỏ hoang.
Tuy nhiên, khi anh Sơn mạnh dạn đầu tư vào cây thanh long và bước đầu mang lại giá trị kinh tế, chúng tôi rất vui. Đây có thể là hướng đi mới mở ra cơ hội phát triển sản xuất cho bà con vùng đất này”.
Có thể bạn quan tâm

Ngày nay, xu hướng sản xuất theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm bảo đảm một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các khả năng nhiễm bẩn thực phẩm, an toàn cho người tiêu thụ.

“Vụ hè cũng như vụ đông, chỗ khác thì lo thiếu nước, còn nông dân ở dọc kênh chìm này thì lúc nào cũng lo thừa nước. Thừa đến nỗi chả trồng được cây gì”- ông Huỳnh Ngọc Vàng ngụ ở đội 3 thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi than thở khi nhắc đến hơn 2 sào ruộng ở xứ đồng Tiểu Giang.

Là một xã vùng sâu của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), kinh tế chậm phát triển nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự đoàn kết, đồng lòng, góp sức của người dân, xã A Xing đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành quả nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó nổi bật nhất là kết quả xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, Hội đồng Khoa học tỉnh đã tổ chức nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình phát triển sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đối mục tại tỉnh Quảng Bình”. Đây là dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Công ty cổ phần Thanh Hương (Hải Ninh, Quảng Ninh) chủ trì, kéo dài gần 3 năm với tổng kinh phí lên đến 2,6 tỷ đồng.

Nhằm khắc phục nhược điểm trên, Công ty giống cây trồng miền Nam cung cấp loại giống mướp đắng lai F1 có tên Big 14 cho năng suất và chất lượng, mở hướng đột phá cho nông dân nghèo, ít đất canh tác.