Hiệu Quả Bước Đầu Mô Hình Chống Rét Và Giữ Ẩm Cho Cây Thuốc Lá Bằng Màng Phủ Nông Nghiệp

Vụ xuân năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm Bắc Kạn đã phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Ngân Sơn triển khai mô hình “Chống rét và giữ ẩm cho cây thuốc lá bằng màng phủ nông nghiệp", đến nay sau 5 tháng triển khai thực hiện mô hình mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Nguồn kinh phí thực hiện mô hình từ nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh. Mô hình được triển khai tại thôn Nà Hin, xã Thượng Ân, với 8 hộ dân tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ về giống, màng phủ nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc.
Sau hơn 5 tháng triển khai, kết quả đánh giá bước đầu cho thấy, việc sử dụng màng phủ nông nghiệp chống rét, giữ ẩm cho cây thuốc lá phù hợp với trình độ, phương thức canh tác của người dân trên địa bàn; việc sử dụng màng phủ nông nghiệp không những có tác dụng chống rét, giữ ẩm cho cây mà còn tiết kiệm được công lao động, hạn chế côn trùng gây hại, hạn chế bệnh hại, cỏ dại, sự bốc hơi nước, rửa trôi của phân bón, cung cấp thêm ánh sáng cho cây, giúp cây quang hợp tốt, màu sắc lá đẹp.
Thực hiện so sánh mô hình có sử dụng màng phủ nông nghiệp với mô hình không sử dụng màng phủ nông nghiệp nhận thấy: mô hình có sử dụng màng phủ nông nghiệp tiết kiệm được rất nhiều công lao động, giảm chi phí gần 6 triệu đồng/ha; cây sinh trưởng, phát triển tốt (tổng số lá trên cây đạt từ 26 – 34 lá trong đó số lá kinh tế từ 22 – 28 lá); ngoài ra mô hình che phủ màng nông nghiệp còn có nhiều tác dụng khác như hạn chế côn trùng gây hại, điều hòa độ ẩm đất và giữ cấu trúc đất, giữ phân, tăng nhiệt độ đất.
Ông Đồng Ích Thập - thôn Nà Hin, xã Thượng Ân, là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, gia đình ông đã trồng cây thuốc lá nhiều năm nay, tuy nhiên do điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đầu vụ xuân thường khô hạn, rét đậm, rét hại kéo dài, thậm chí còn xuất hiện sương muối nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây thuốc lá, dẫn đến năng suất, phẩm cấp kém, chưa tương xứng với tiềm năng, năng suất của giống.
Ông Thiện chia sẻ, từ khi tham gia mô hình gia đình ông đã thấy rõ những hiệu quả mà mô hình mang lại, vừa tiết kiệm được nhân lực, vừa không phải bón phân nhiều lần, vừa không phải vun gốc mà cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt bất chấp sự khắc nghiệt thời tiết.
Sau một vụ triển khai thực hiện có thể khẳng định việc đưa mô hình Chống rét và giữ ẩm cho cây thuốc lá bằng màng phủ nông nghiệp bước đầu đã thành công, phù hợp với trình độ nhận thức, phương thức canh tác của người dân nơi đây. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt hơn nữa, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để thử nghiệm mô hình này trước khi khuyến cáo nhân rộng trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm

Chăn nuôi bò thâm canh đang là hướng đi đầy triển vọng được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển. Ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), những năm qua việc phát triển đàn bò lai theo hướng thâm canh được địa phương quan tâm triển khai và đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Vùng đất đỏ ba zan huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có diện tích hơn 3.000 ha, trải dài trên địa bàn 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Thành, thuân lợi để phát triển các cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu. Thời kỳ Nông trường Tân Lâm những năm 1980-1995, cây hồ tiêu ở Cam Lộ phát triển cực thịnh với quy mô tập trung hơn 1.500 ha, được đầu tư hạ tầng đồng bộ, quy trình thâm canh áp dụng thống nhất, là đặc sản “vàng đen” làm giàu cho cả vùng.

Với mục tiêu lựa chọn giống lúa thuần mới, có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai trên địa bàn tỉnh, đồng thời có khả năng kháng một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu nhằm bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa chủ lực của tỉnh, vụ đông xuân 2014 -2015 Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình tổ chức khảo nghiệm giống lúa SV 181 (Sao Việt 181) tại HTX Trung Đơn (xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Mô hình được thực hiện tập trung với quy mô 1 ha trên chất đất thịt nhẹ với 5 hộ tham gia.

Ở những tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất tôm giống trong tỉnh Bình Thuận ước đạt khoảng 5 tỷ con, giảm 15% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết lạnh kéo dài, người nuôi hạn chế thả giống. Nhu cầu mua tôm giống ở các tỉnh miền Tây và miền Trung không cao nên các cơ sở giảm sản xuất.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, nhu cầu lượng giống tôm càng xanh để nuôi trong toàn tỉnh An Giang khá cao, khoảng 40 – 50 triệu con giống. Tuy nhiên, khả năng cung cấp giống của tỉnh rất thấp khoảng 15 triệu con, do vậy người nuôi phải nhập từ các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL, như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre….