Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hạt điều Việt Nam trở thành ông trùm thế giới

Hạt điều Việt Nam trở thành ông trùm thế giới
Ngày đăng: 27/11/2015

Nếu trước đây một cái máy bóc vỏ lụa mua từ Ý có giá tới 27.000 euro (gần 650 triệu đồng tính theo tỉ giá hiện nay) thì hiện nay doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu hạt điều Việt chỉ phải bỏ ra 250 triệu đồng do sử dụng công nghệ trong nước.

Chính vì vậy hầu hết DN chế biến hạt điều đều sử dụng máy móc trong nước sản xuất.

“Không chỉ tiết kiệm được hàng tỉ đồng chi phí đầu tư máy móc, thiết bị mà điều đáng nói là chất lượng, công nghệ máy móc Việt Nam còn hiệu quả, chính xác không thua kém hàng ngoại” - ông Nguyễn Xuân Khôi, Giám đốc Công ty Khuôn máy Việt, hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tự tin nói.

Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh

Ông Khôi cho biết thêm, ngành chế biến xuất khẩu hạt điều có chín công đoạn thì hiện nay tám công đoạn sử dụng máy móc, thiết bị trong nước.

Điều này hoàn toàn khác với cách đây 4-5 năm.

Khi đó DN điều hầu như phải nhập khẩu 100% máy móc từ Trung Quốc, Ý, Ấn Độ.

Có những loại máy nhập từ Ý giá hơn 1 tỉ đồng, sắm hết chín công đoạn, mỗi DN phải bỏ hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng đối với những công ty quy mô lớn.

Để khắc phục tình trạng phải phụ thuộc máy móc ngoại, DN điều đã liên kết với các DN cơ khí trong nước nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại máy móc, thiết bị cho các công đoạn chế biến xuất khẩu hạt điều.

Nếu so về giá thành, giá máy móc Việt Nam chỉ bằng 50%-80% giá máy móc nhập khẩu.

“Nhiều loại máy móc do DN Việt chế tạo có thể nói tốt không thua kém các nước trên thế giới, thậm chí có một số tính năng vượt trội hơn các máy móc hiện đại của Ý, Ấn Độ.

Ví dụ như máy bóc vỏ lụa của nước ta tỉ lệ hạt tróc vỏ cao hơn, thổi sạch hơn máy nhập từ Ý.

Máy cắt vỏ hạt điều trong nước độ bung nhân đạt tỉ lệ cao nhất 90%, 10% còn lại là do hạt điều bị dị dạng.

Như vậy có thể nói đạt độ chính xác tới 100%” - ông Khôi khẳng định.

Không chỉ chủ động được công nghệ, tiết kiệm chi phí đầu tư máy móc, DN hạt điều còn giảm được chi phí nhân công.

Theo ông Công, hầu như hiện nay các máy móc của công ty đều tự động hóa, độ chính xác cao nên sử dụng lao động rất ít.

Nếu trước đây cần khoảng 100 lao động thì với máy móc trong nước sản xuất chỉ cần 20-30 lao động.

Điều này giúp giảm được nhiều chi phí, giảm được giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Xuất khẩu máy móc “made in VietNam”

Ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Công ty Gia Lợi (Long An), nói hiện nay các DN ngành điều đang xuất khẩu ra nước ngoài cả những máy móc có độ chính xác cao như máy sấy, đo độ ẩm, dò kim loại, phân tách màu, phân tách cỡ hạt, khử trùng, đóng gói thành phẩm.

Đặc biệt, nhiều DN ngành điều còn chế tạo những máy móc chế biến ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hạt điều rang muối, điều chiên, điều snack… xuất khẩu.

Chính điều này làm tăng giá trị của hạt điều Việt.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết hiện nay có khoảng 10 DN hội viên xuất khẩu được máy móc, thiết bị ngành điều ra nước ngoài.

Chủ yếu xuất khẩu sang châu Phi.

Đáng chú ý, trước đây Việt Nam nhập khẩu máy móc từ Ấn Độ, một trong những nước có công nghệ chế biến điều tiên tiến nhưng giờ nước này lại đi mua máy móc của Việt Nam.

Uớc tính mỗi năm Việt Nam chế biến khoảng 1,3 triệu tấn hạt điều.

Vinacas cho hay để phát triển công nghệ, tăng sức cạnh tranh, hiệp hội có Ban Khoa học công nghệ để liên kết với các DN ngành cơ khí, các viện, trường đại học nghiên cứu cải tiến máy móc, thiết bị, công nghệ trong chế biến hạt điều.

Hạt điều Việt chiếm 50% thị phần thế giới

Theo Bộ NN&PTNT, 10 tháng năm 2015, xuất khẩu điều tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh hầu hết mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta đều giảm sút.

Cụ thể, số lượng nhân điều xuất khẩu đạt 272.000 tấn với kim ngạch gần 2 tỉ USD, tăng 6% về lượng và trên 18% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo năm 2015 xuất khẩu điều sẽ đạt 2,5 tỉ USD, trong đó nhân điều là 2,3 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục đứng vị trí số một thế giới và chiếm 50% thị phần thế giới.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Rau Diếp Cá Đạt Lợi Nhuận Cao Trồng Rau Diếp Cá Đạt Lợi Nhuận Cao

Thời gian qua, một số nông dân tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư trồng rau diếp cá cho lợi nhuận khá cao. Người đầu tiên mang rau diếp cá về trồng tại xã Láng Biển là vợ chồng chị Huỳnh Ngọc Diệp.

22/01/2013
Cây Bưởi Diễn Trên Đất Việt Đoàn (Bắc Ninh) Cây Bưởi Diễn Trên Đất Việt Đoàn (Bắc Ninh)

Tuy mới chỉ được người dân xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du - Bắc Ninh) đưa vào trồng khoảng 7 đến 8 năm nay nhưng cây bưởi Diễn đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

23/01/2013
Tự Nhiên Nông Dân Mất Mùa Chuối Tết Ở Hà Nội Tự Nhiên Nông Dân Mất Mùa Chuối Tết Ở Hà Nội

Khác với tâm trạng mong chờ, háo hức tới phiên chợ Tết như mọi năm, thời điểm này, nhiều người trồng chuối xanh ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Nội) tỏ ra buồn bã vì chuối mất mùa. Nguyên nhân là do cơn bão số 8 (10/2012) đã làm gãy, đổ phần lớn diện tích chuối trên địa bàn xã.

24/01/2013
750 Nông Hộ Tham Gia Trồng 50 Ha Tỏi An Toàn Ở Ninh Thuận 750 Nông Hộ Tham Gia Trồng 50 Ha Tỏi An Toàn Ở Ninh Thuận

Dự án cạnh tranh nông nghiệp và Trung tâm Tư vấn - phát triển công nghệ Nha Hố đã đầu tư 1,7 tỉ đồng cho 750 nông hộ xã Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải - Ninh Thuận) và phường Văn Hải (T.p Phan Rang Tháp Chàm) nhằm mở rộng 50 ha diện tích trồng tỏi an toàn trong vụ đông xuân 2012 – 2013.

25/01/2013
Thắc Thỏm Giữa Mùa Hành Tết Ở Vĩnh Châu Thắc Thỏm Giữa Mùa Hành Tết Ở Vĩnh Châu

Giá củ hành tím ở Sóc Trăng đã tăng trở lại và đang ngập ngừng ở mức 15.000 đồng/kg khiến một số nhà rẫy đang trong tâm trạng phập phồng càng nôn nao hơn. Bởi trước đó không lâu, từ tháng 10 âm lịch, giá hành đầu mùa bỗng nhảy lên 25.000 đồng/kg rồi lao dốc mạnh đã khiến người dân trồng hành đặc sản ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hụt hẫng.

25/01/2013