Hành tây tăng giá mạnh

Đến Đà Lạt (Lâm Đồng) những ngày này, chúng tôi có thể nhận thấy không khí yên ắng và nỗi thất vọng hiện trên nét mặt lam lũ của những người nông dân tại các vùng chuyên canh hành tây ở khu vực phường 7 (nơi được xem là thủ phủ trồng hành tây ở TP Đà Lạt) mặc dù hiện giá hành tây tăng cao chóng mặt, 16.000 đồng/kg.
Nông dân Trần Thế Long (ngụ đường Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt) cho biết, liên tục trong nhiều tháng liền giá hành tây rất bấp bênh, có lúc xuống chỉ còn vài trăm đồng/kg khiến người trồng hành điêu đứng. Tuy nhiên, chỉ một tuần trở lại đây, giá hành tây trên địa bàn Đà Lạt tăng giá liên tục.
Cụ thể: Hành tây loại 1 từ 3.000 đồng/kg tăng lên 15.000 – 16.000 đồng/kg, các loại hành loại 2 - 3 cũng tăng giá từ 2.000 đồng lên 8.000 – 12.000 đồng/kg, nhưng nông dân không còn nhiều hàng để bán.
Vụ hành vừa qua, gia đình anh Long có 3.000 m2 trồng hành tây với tổng chi phí đầu tư hơn 60 triệu đồng, sản lượng thu được khoảng 25 tấn. Do thời điểm thu hoạch rộ, lại gặp trời mưa nên gia đình anh chỉ bán xô cho thương lái tại vườn với giá 2.000 đồng/kg. Vụ hành này gia đình anh Long lỗ hơn chục triệu đồng.
Theo anh Long: “Sở dĩ giá hành tây mấy ngày qua tăng mạnh là do cách đây 2 tháng, nông dân Đà Lạt thu hoạch hành chính vụ gặp thời tiết xấu, gặp mưa nên số lượng hành trong quá trình trữ kho chờ tăng giá bị thối hoặc lên mầm. Do vậy, nhiều nông dân cũng như thương lái phải đổ bỏ hàng trăm tấn hoặc bán tháo với giá 500 đồng/kg. Vì vậy lượng hành tây còn lại rất ít”.
Ông Đinh Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, nguyên nhân khiến hành tây tăng giá đột ngột là do trong thời gian dài vừa qua qua, giá hành tây thấp kỷ lục, khiến nhiều thương lái không mặn mà với việc đưa hành tây Trung Quốc vào Việt Nam. |
Chị Trần Đan Vy, chủ vựa nông sản Mai Vy, phường 7, TP Đà Lạt cho biết: Do thời điểm thu hoạch hành tây chính vụ trên địa bàn TP Đà Lạt đã đi qua cách đây 2 tháng nên lượng hành thu hoạch và tích trữ trong dân gần như được tiêu thụ hết. Hiện tại, chỉ một số hộ sản xuất hành với quy mô lớn, có đầu tư hệ thống kho bãi cất trữ từ cách đây vài tháng mới có nguồn hàng để bán, còn các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ thì đã hết hàng từ lâu.
Thị trường tiêu thụ hành tây sau một thời gian ngưng trệ giờ trở nên thông thoáng hơn, việc xuất khẩu sang thị trường Singapore và Hàn Quốc được kết nối trở lại. Ngay cả thị trường TP.HCM và Campuchia cũng thông thoáng chừng khoảng nửa tháng nay.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Nông dân phường 7, TP Đà Lạt cho biết: Toàn phường 7 có 140 ha chuyên canh trồng hành tây, đây là cây trồng thế mạnh, truyền thống từ hàng chục năm nay của người nông dân, mang lại đời sống kinh tế khấm khá cho hàng ngàn hộ. Trước thực trạng cứ đến mùa thu hoạch hành tây là giá lại rớt thê thảm, UBND phường đã có kiến nghị lên các cấp thành phố tạo điều kiện cho nông dân xây dựng các nhà kho, bãi chứa trên cơ sở đất hợp pháp của mình để làm nơi bảo quản nông sản chờ giá lên.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, diện tích trồng hành tây ở Đà Lạt và các vùng phụ cận như Đơn Dương, Lạc Dương những năm gần đây đều tăng mạnh, với tổng diện tích lên đến hơn 1.000 ha. Trong đó, riêng huyện Đơn Dương chiếm khoảng 500 ha, sản lượng hơn 35.000 tấn một vụ. Để tránh tình trạng người nông dân sản xuất hành tây lâm vào cảnh được mùa mất giá, trong thời gian tới Sở NN-PTNT sẽ tiến hành rà soát lại diện tích sản xuất hành tây, khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích.
Có thể bạn quan tâm

Nông nghiệp là ngành mũi nhọn trong cơ cấu sản xuất của tỉnh Bắc Giang, đã có nhiều vùng sản xuất chuyên canh, tuân thủ quy trình an toàn, bảo đảm chất lượng nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đã phần nào giúp nông dân khắc phục tình trạng này.

Nói về kỹ thuật, ông Bằng chia sẻ: “Cây củ đậu dễ trồng. Khâu quan trọng nhất là phải làm luống, luống được làm hai lần: lần 1 (luống sơ bộ), lần 2 (luống hoàn chỉnh). Luống sơ bộ cách nhau khoảng 40 cm. Luống hoàn chỉnh, làm cách nhau khoảng 60 – 70 cm.

Vụ đông năm nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang) phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng xây dựng mô hình 10 ha rau an toàn tại xã Cảnh Thụy.

Với chủ đề “Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản: Cơ hội và thách thức”, Hội nghị thông tin đến cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp về định hướng phát triển, ưu tiên và môi trường đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản của Chính phủ.

Cùng với đó, huyện cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ người dân chuyển từ chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ, sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân. Đó sẽ là điều kiện tốt cho ngành chăn nuôi của huyện ngày một phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân trên địa bàn.