Hành Tây Bán Rẻ Cũng Không Mua

Từ nhiều năm nay, hành tây là cây trồng chủ lực của xã Hưng Đạo. Cứ mỗi vụ thu hoạch, các thương lái trong xã, trong huyện và khắp nơi đến thu mua mang đi tiêu thụ ở miền Trung, miền Nam, thậm chí còn XK. Dạo quanh các thôn Xuân Nẻo, Ô Mễ - "thủ phủ" của cây hành tây, đập vào mắt chúng tôi là cảnh đường làng ngõ xóm hành tây vứt lăn lóc khắp nơi bốc mùi hôi thối. Trong các sân, thềm nhà, hiên bếp..., hành tây chất đống mọc mầm dài cả gang tay.
Theo người dân thôn Xuân Nẻo, so với vụ đông các năm trước thì vụ đông năm nay, giá hành tây rớt giá chưa từng thấy. Vụ trước củ lớn, củ nhỏ đều bán với giá 7 - 9.000 đồng/kg. Với năng suất từ 1 - 1,5 tấn/sào, tính ra mỗi sào hành thu gần 10 triệu đồng. Hiện thời điểm này, giá mỗi kg hành chỉ có 2.000 đồng loại 1, còn loại 2, loại 3 thì thương lái không đoái hoài. Bởi thế, hàng chục tấn hành tây của bà con thu hoạch xong không bán được vứt đầy ngoài ruộng. Với giá này, mỗi sào hành tây tính ra lỗ 2 triệu đồng (năng suất năm nay chỉ đạt 5 - 7 tạ/sào).
Chị Nguyễn Thị Thoa, thôn Xuân Nẻo, trồng 9 sào hành tây cho biết: Vào thời điểm tháng 8, tháng 9, hành tây bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, hành bị tụt củ. Sang tháng 10, tháng 11, mưa nhiều hành tây bị thối củ, củ còn lại thì xấu, nhỏ. “Gia đình tôi bỏ ra gần 30 triệu đồng trồng 9 sào. Năng suất đạt từ 5 - 7 tạ/sào. Trong đó thương lái mua chọn từng củ một. Trăm củ đều, đẹp như nhau mới mua với giá 2.000 đồng/kg. Còn hành tây loại 2, loại 3 (chiếm 30 - 40%) không bán được nên mọi người vứt đầy ngoài ruộng. Nhìn vào đống hành tây hơn 1 tấn để ở trước hiên nhà đã mọc mầm, bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Xuân Nẻo, chua xót: “Hành tây thu về nhưng không có chỗ bảo quản, chỉ trong thời gian ngắn đua nhau mọc mầm”.
Đồng cảnh ngộ với người dân Hưng Đạo, xã Ngọc Kỳ trồng khoảng 10 ha hành tây cũng rơi vào thảm cảnh. Sản lượng năm nay bằng một nửa năm ngoái, mẫu mã không đẹp. Chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Tứ Kỳ Thượng, trồng 2 sào thu được 1,2 tấn, bán cho thương lái được 5 tạ với giá 2.000 đồng/kg. Chị Hồng thở dài: “Còn 8 tạ nhưng gọi mãi không thấy thương lái đến mua. Họ bảo, hành tây năm nay xấu, củ nhỏ nên không tiêu thụ được. Vụ này, gia đình tôi đầu tư 6 triệu đồng chưa tính công chăm sóc. Số hành tây này cũng không biết dùng để làm gì, đổ đi thì phí lắm nên mỗi ngày tôi chở ra chợ bán được chừng nào hay chừng đó, kiếm thêm ít tiền nhằm đầu tư vụ mới”.
Tuy vụ hành tây năm nay mất mùa, mất giá, song khi được hỏi vụ đông năm sau thế nào? Bà con nông dân các xã nói trên đều có chung câu trả lời: Biết làm sao nữa! Không trồng hành tây thì biết làm gì. Là nông dân chúng tôi quen với cảnh mất mùa, rớt giá, chỉ mong sao Nhà nước có những chính sách phù hợp và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân....
Theo các thương lái thu mua hành tây ở xã Hưng Đạo, nguyên nhân dẫn đến giá thấp như vậy là hành tây Tứ Kỳ không cạnh tranh nổi hành tây NK từ Trung Quốc. Hành tây Trung Quốc mẫu mã đẹp, giá phải chăng nên chiếm lĩnh thị trường...Ngoài cây hành tây, xã Hưng Đạo còn là nơi trồng rau lớn nhất huyện Tứ Kỳ, tập trung ở thôn Ô Mễ. So với hành tây thì rau xanh có vẻ sáng sủa hơn. Tuy giá cả năm nay không bằng các năm trước, song còn tiêu thụ được, không đến nỗi đổ đi như hành tây.
Theo ông Nguyễn Văn Khuông, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tứ Kỳ, Hải Dương: Vụ đông năm 2011-2012, huyện Tứ Kỳ gieo trồng 2.300 ha cây vụ đông các loại, trong đó diện tích hành tây 300ha, tập trung ở các xã Hưng Đạo, Ngọc Kỳ, Nguyên Giáp, Văn Tố… Đến nay cây vụ đông trên địa bàn huyện đã thu hoạch xong nhưng giá bán rất thấp. Thê thảm nhất là cây hành tây, thất bại hoàn toàn. Mặc dù giá rẻ nhưng bà con cố gắng thu hoạch để lấy đất sản xuất vụ mới. Hành tây loại đẹp còn nhúc nhắc bán được, loại 2, loại 3, không ai mua người dân vứt đầy ngoài đồng.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, những mô hình trồng bí xanh, bí đỏ thế hệ lai đã góp phần giúp nông dân Vĩnh Phúc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, thay đổi tập quán canh tác và có thu nhập vượt trội so với trồng lúa.

Có ít nhất 12.000 tấn dưa hấu đang được thu hoạch trên diện tích khoảng 500ha thuộc 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú - Bến Tre). Mùa này, dưa trúng đậm với sản lượng trung bình 25 tấn/ha, nhưng giá bán chỉ từ 1.500-2.500 đồng/kg, rẻ nhất trong 10 năm qua. Tất cả nông dân trồng dưa đều không có lãi…

Đây là một acid béo quan trọng đối với cơ thể con người, góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa các bệnh về tim mạch, làm giảm nồng độ triglycerides máu, hạ cholesterol, ngăn ngừa ung thư và bệnh tiểu đường...

Mặc dù có hàng trăm hộ dân có diện tích cà phê bị cháy lá do sương muối trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, nhưng gia đình anh Đỗ Xuân Khởi, Đội I, xã Chiềng Ban (Mai Sơn - Sơn La) vẫn làm ăn phát đạt khi rất nhiều người dân ở các xã trong huyện và các huyện lân cận tìm tới mua cây cam giống do anh lai ghép, chịu được sương muối và cho thu nhập kinh tế cao.

Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã giúp nhiều hộ chăn nuôi của xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ và xã Suối Rao, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) giảm chi phí, rủi ro về bệnh dịch...