Hàng Thủ Công Mỹ Nghệ Việt Nam Được Đánh Giá Cao Tại Algeria

Các mặt hàng truyền thống của VN góp mặt tại Hội chợ-Triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ lần thứ 19 của Algeria diễn ra từ 4 đến 12/11 tại thủ đô Algiers của nước này, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các khách hàng Algeria.
Hội chợ lần này có sự tham gia của trên 200 doanh nghiệp Algeria và 77 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nét đẹp văn hóa truyền thống được thể hiện qua sự tinh tế của tranh sơn mài, các sản phẩm chạm bạc đã thu hút rất đông khách tham quan gian hàng duy nhất của Việt Nam góp mặt tại kỳ Hội chợ lần này.
So với hàng hóa cùng chủng loại của nhiều nước được bày bán trong hội chợ, nhiều khách thăm quan gian hàng Việt Nam đều đánh giá các sản phẩm Việt Nam tốt về chất lượng, được làm công phu, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp.
Đến thăm quan gian hàng của Việt Nam, người nào cũng có thể mua một vài món đồ về để dùng hay làm quà tặng. Chị Nadia, một người đến thăm quan gian hàng Việt Nam cho rằng hàng thủ công mỹ nghệ có chất lượng cao, vừa tinh xảo, vừa đẹp và vừa hợp với túi tiền của nhiều người dân Algeria.
Khi được hỏi tại sao lại chọn mua sản phẩm của Việt Nam, chị Rouiba Aouah cho biết chị rất thích hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vì đó là những mặt hàng độc đáo, thể hiện sự khéo léo, tinh xảo của người Việt Nam.
"Năm nào, tôi cũng đến hội chợ này để mua hàng của Việt Nam. Năm nay, tôi quyết định mua tranh sơn mài Vịnh Hạ Long để làm quà tặng cho chị gái tôi." - chị Rouiba Aouah nói.
Trong khi đó các bạn trẻ Algeria thích thú khi chọn cho mình những đôi guốc mộc mỹ nghệ dễ thương hoặc những chiếc hộp chạm khảm để đựng nữ trang hặc đồ trang sức.
Đi thăm gian hàng Việt Nam trong ngày khai mạc, bà Nourira Yamina Zerhouni, Bộ trưởng Du lịch và Tiểu thủ công nghiệp Algeria đã hoan nghênh sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại hội chợ này, đồng thời đánh giá cao chất lượng của các sản phẩm Việt Nam.
Chị Huỳnh Thị Ánh Tuyết, chủ gian hàng Việt Nam, cho biết kể từ năm 2004 đến nay là năm thứ 8 chị tham dự hội chợ này, nhằm mục đích quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đến với bạn bè Algeria và quốc tế. Chị nói: "Năm nào cũng vậy, khách hàng đến thăm quan và mua sắm tại gian hàng của mình rất đông. Có lúc không kịp phục vụ khách. Các mặt hàng của Việt Nam như áo dài, khăn tơ lụa, đồ sơn mài rất được khách hàng Algeria ưa chuộng."
Theo Ban tổ chức, Hội chợ - Triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ lần thứ 19 của Algeria nhằm mục đích cải thiện chất lượng sản phẩm của Algeria, khuyến khích nghệ nhân Algeria nỗ lực hơn nữa để sản xuất các mặt hàng có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây cũng là nơi để các nghệ nhân, các nhà sản xuất kinh doanh của Algeria và của nước ngoài giao lưu, tìm kiếm đối tác và trao đổi kinh nghiệm.
Có thể bạn quan tâm

Từ một người bê tha rượu chè, anh Lê Công Thế (thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã "lột xác" thành nông dân sản xuất giỏi nhờ con tôm sú.

Lái Thiêu, vùng đất màu mỡ bên dòng sông Sài Gòn nức tiếng gần xa với những mùa trái chín trĩu quả đã trở thành một định danh du lịch độc đáo của Bình Dương nói riêng và Đông Nam bộ nói chung. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu vì thế trở thành một định danh quen thuộc trong tâm tưởng nhiều người.

Nghề nuôi ong lấy mật ở Bá Thước (Thanh Hóa) có từ lâu, nhưng người dân chỉ nuôi tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm mật ong chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Nhưng nay, nghề này đang ngày càng phát triển, nhất là từ khi có sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng” do Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tài trợ.

Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp trồng điều tỉnh Bình Phước, mấy ngày gần đây thời tiết diễn biến xấu đã khiến nhiều vườn điều đang thời kỳ trổ hoa kết trái bị rụng hoa nhiều, nguy cơ khó đậu trái, ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Đến thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) vào thời điểm vụ đông (vụ trồng chính), chúng tôi thấy những rẫy hành, tỏi trồng khoảng 2-3 tháng đang phủ màu xanh mướt mắt.