Hải sâm trôi dạt vào bờ chưa xác định nguyên nhân cụ thể

Ông Phan Cước ở thị trấn Thuận An cho biết, hải sâm trôi dạt trên biển chỉ cách bờ chừng vài trăm mét, những con đã chết hẳn trôi dạt vào bờ.
Hàng trăm người dân đổ xô đưa thuyền ra biển để vớt, những hộ phát hiện đầu tiên có thể vớt được hàng chục kg hải sâm tươi, hộ ít nhất cũng vài kg.
Riêng ông Phan Cước phát hiện cách đây hai ngày, đến nay vớt được chừng 5kg. Có hộ bán hải sâm tươi, giá từ trên 500 ngàn đồng/kg, còn nếu phơi khô thì giá cao hơn.
Được biết, các lái buôn tại địa phương thu mua hải sâm, sau đó nhập vào thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, đến nay vẫn chưa xác định cụ thể và chính xác nguyên nhân hải sâm chết, trôi dạt vào bờ biển Thuận An và Phú Thuận.
Đánh giá bước đầu, hải sâm là loài sinh sống và trú ẩn ở các vùng rạn san hô, khi bị tác động từ môi trường, như nguồn nước nóng, ấm dần lên, hay bị sóng đánh, thủy triều bất thường dẫn đến chết, trôi dạt vào bờ.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi, đánh giá cụ thể nguyên nhân hải sâm bị chết.
Theo các chuyên gia hải sản, hải sâm (tên gọi dân gian là đỉa biển), là nhóm động vật biển thuộc lớp Holothuroidea, thân dài và da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da, sống trong lòng biển trên khắp thế giới.
Hải sâm là loài vật chuyên ăn xác chết của động vật dưới biển, là vệ sinh viên của biển; thức ăn khác của chúng là phù du và các chất hữu cơ dưới biển.
Có thể tìm thấy chúng với số lượng lớn ở cạnh các trang trại nuôi cá biển. Tùy vào điều khiện thời tiết, một cá thể hải sâm có thể sản xuất hàng ngàn giao tử.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có 600 ha trồng chôm chôm Java, chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Tập trung ở các xã: Tân Phong, Ngũ Hiệp, Hội Xuân và Hiệp Đức.

Những ngày gần đây, giá mía tại vùng nguyên liệu huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có chiều hướng nhích lên. Tuy giá tăng, nhưng diện tích mía còn lại không nhiều và lợi nhuận của nông dân được cải thiện không đáng kể.

Tận dụng mảnh đất nhỏ sát bờ ao, gia đình ông Nguyễn Thành Lũy (ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đã xây dựng chuồng trại để nuôi hàng ngàn con tắc kè, thu lợi trên 50 triệu đồng/năm.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, vụ nuôi tôm sú năm nay, người dân chỉ nên thả nuôi 1 vụ, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7. Đối với tôm chân trắng, có thể nuôi 2 vụ, vụ 1 bắt đầu từ cuối tháng 3, vụ 2 kết thúc trước tháng 11. Về mật độ nuôi, đối với tôm sú có thể nuôi từ 20 đến 25 con giống/m2; đối với tôm chân trắng vụ 1 nên thả với mật độ từ 80 đến 100 con giống/m2, vụ 2 thả thưa hơn với mật độ từ 60 đến 80 con giống/m2.

Hiện nay, những loài cá được liệt vào hàng quý hiếm trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức, nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Do vậy, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài cá này đang trở nên cấp bách. Tuy nhiên, việc nhân giống và phát triển nuôi đối tượng này vẫn còn khá gian nan nên nguồn cung cấp cá giống khá khan hiếm và nguồn cung về cá thương phẩm lại càng hiếm hơn...