Hà Nội Tiếp Tục Đẩy Mạnh Chăn Nuôi Theo Vùng Trọng Điểm

Sáng 22/1, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư trên địa bàn TP năm 2014.
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và quy mô lớn ngoài khu dân cư đã tạo chuyển biến tích cực trong kinh tế của các địa phương, góp phần quan trọng cải thiện đời sống cho người nông dân.
Đến nay, toàn TP đã phát triển ổn định được 69 xã và 15 vùng chăn nuôi trọng điểm, cùng 2.924 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện chiếm tỷ lệ 40,5% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn TP. Trong những năm qua, chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và ngoài khu dân cư tiếp tục có sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, công tác liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được TP quan tâm. Ngoài những chuỗi liên kết do các doanh nghiệp chăn nuôi gia công, TP hiện đang tổ chức liên kết 19 chuỗi tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, tư vấn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hàng chục sản phẩm chăn nuôi như: Sữa Ba Vì, trứng gà 729, gà đồi Sóc Sơn,…
Dù liên tục tăng trưởng khá và hiện đứng trong tốp đầu cả nước về tổng đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thực phẩm của thị trường Hà Nội. Việc phát triển chăn nuôi theo các vùng, xã trọng điểm và ngoài khu dân cư đang vấp phải trở ngại lớn do người dân thiếu vốn đầu tư sản xuất. Các chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao vào các khu chăn nuôi tập trung còn thiếu; đồng thời, việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi theo chuỗi chưa đạt hiệu quả mong đợi, do trình độ tiếp cận của người nông dân hạn chế,…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đánh giá cao những hiệu quả tích cực từ Chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và ngoài khu dân cư, nhất là đối với việc nâng cao đời sống cho người nông dân.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cũng nhắc nhở ngành chăn nuôi cần thẳng thắn nhìn nhận, năng suất và chất lượng sản phẩm của TP còn thua kém nhiều so với một số nước phát triển. Để chăn nuôi tiếp tục có bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt đề nghị, các đơn vị tiếp tục tham mưu, làm tốt công tác quy hoạch, tiến tới mở rộng các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm và ngoài khu dân cư; Tập trung xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững; Chú trọng đào tạo kiến thức cho người nông dân, nhất là áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi theo chuỗi.
Đối với bài toán vốn, Phó Chủ tịch cho biết, sẽ nghiên cứu, đề xuất về việc sử dụng nguồn ngân sách từ các Quỹ Tín dụng Nhân dân, Quỹ Khuyến nông TP, nhằm hỗ trợ và khuyến khích người nông dân ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi…
Có thể bạn quan tâm

Triệu Phong là một trong những vùng lúa trọng điểm của tỉnh Quảng Trị với diện tích gieo cấy hàng năm gần 12.000 ha. Những năm qua, song song với sự phát triển nền kinh tế nông nghiệp vững chắc, việc xây dựng các cánh đồng lúa chất lượng cao (CLC) cũng đạt nhiều thành quả rõ rệt.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào rộng khắp ở xã Tây Ninh (Tiền Hải), bộ mặt nông thôn và đời sống người dân chuyển biến tích cực, giao thông nông thôn đi lại thuận tiện, học tập, khám chữa bệnh được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững.

Nằm ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo, xóm Thai Thèn Bạ, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) có đến 98% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Trong vài năm trở lại đây nhờ cớ sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của người dân, xóm đã có sự bứt phá về mọi mặt.

Đến nay, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã đạt gần 7.800 tấn, vượt 3,7% so với kế hoạch, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt trên 7.600 tấn, còn lại là thủy sản khai thác. Cũng trong năm nay, toàn tỉnh đã sản xuất được 500 triệu con cá giống, cá bột; triển khai nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả như nuôi cá Diêu Hồng trong lồng, nuôi cá thâm canh trong ao sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi cá hồ chứa nhỏ…

Đến nay, các đơn vị đã xây dựng được 22 nguồn giống cây lâm nghiệp, trong đó: 7 lâm phần tuyển chọn sến mật, vẹt, trang, đước, thông Cariber... với diện tích 463,7 ha; 9 rừng giống chuyển hóa thông nhựa, lát hoa, lim xanh, mỡ, trám trắng, keo tai tượng, diện tích 87,27 ha; 1 rừng giống keo tai tượng, diện tích 10 ha; 2 vườn cung cấp hom phi lao dòng TT2.6, TT2.7, diện tích 0,9 ha... Hàng năm, thu hái hơn 4.000 kg hạt giống đưa vào sản xuất gieo ươm.