Hà Nội Đưa Vụ Đông Trở Thành Vụ Sản Xuất Chính

Trong vài năm gần đây, diện tích trồng cây vụ Đông trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm dần do nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy, với mục tiêu đưa vụ Đông trở thành vụ chính nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, năm nay, UBND TP đã chỉ đạo các huyện, thị xã tích cực vào cuộc mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông.
Giá trị lớn
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích có khả năng gieo trồng cây vụ Đông toàn TP khoảng 100.000 ha. Trong những năm qua, diện tích trồng cây vụ Đông có xu hướng giảm dần do điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, giá vật tư phục vụ sản xuất ngày một tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra thấp.
Nếu vụ Đông năm 2009 - 2010, toàn TP gieo trồng 64.000 ha thì đến vụ Đông 2010 - 2011 diện tích cây trồng vụ Đông giảm chỉ còn khoảng 60.000 ha.
Năm 2013 - 2014, toàn TP gieo trồng 45.222 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức và Ba Vì... Cây trồng chủ yếu là đậu tương, ngô, khoai lang, lạc, rau đậu các loại. Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để chủ động nguồn giống cho vụ Đông, UBND TP đã ban hành chính sách hỗ trợ 50% chi phí sản xuất đậu tương vụ Hè Thu.
Bên cạnh đó, các huyện cũng có chính sách hỗ trợ sản xuất một số cây trồng vụ Đông. Tiêu biểu như huyện Thạch Thất hỗ trợ 100% kinh phí đối với một số cây trồng mới như bí ngô, bí đao, rau các loại và hỗ trợ 70% kinh phí mua giống ngô nếp, ngô lai, khoai lang, lạc. Hay huyện Sóc Sơn hỗ trợ 100% giống ngô nếp HN88, giống đậu tương DT84, rau vụ Đông với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng...
Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Phát triển cây trồng triển khai mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như trồng khoai tây làm đất tối thiểu, trồng bí xanh, bí đỏ, ngô nếp lai bằng giống mới...
Nhờ những chính sách này, giá trị thu nhập vụ Đông 2013 - 2014 toàn TP ước đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó giá trị cây đậu tương đạt 22 triệu đồng/ha, ngô: 20 triệu đồng/ha, rau: 70 triệu đồng/ha và hoa, cây cảnh lên tới 250 triệu đồng/ha. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá, giá trị từ vụ Đông còn góp phần quan trọng đảm bảo mức tăng trưởng cho ngành nông nghiệp trong năm 2014.
Tiếp tục chính sách hỗ trợ, khuyến khích
Năm nay, nhiều địa phương tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất vụ Đông. Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, vụ Đông 2014, huyện đặt mục tiêu gieo trồng 4.000 ha, trong đó, đậu tương khoảng 2.000 ha.
Để chủ động nguồn giống đậu tương cho vụ Đông, trong vụ Hè Thu vừa qua, huyện có chính sách hỗ trợ 100% giống và 30% phân bón trồng đậu tương. Song song với đó, huyện thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất vụ Đông và rà soát kế hoạch sản xuất chi tiết của từng xã, thực hiện phương châm "sáng lúa, chiều cây vụ Đông".
Vụ Đông năm 2014, Hà Nội đặt mục tiêu gieo trồng trên 50.000 ha, giá trị sản xuất đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, cơ cấu giống cây trồng chủ yếu là cây ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt và đảm bảo thời vụ gieo trồng.
Đặc biệt, thanh tra ngành NN&PTNT sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra việc thực hiện những quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, hiện nay, thu nhập khu vực nông thôn đạt khoảng 23,7 triệu đồng/người/năm, mới chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân toàn TP. Chính vì vậy, gieo trồng vụ Đông là biện pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho người nông dân, tăng giá trị sản lượng của ngành nông nghiệp và cung cấp nguồn rau quả thực phẩm dồi dào cho TP trong dịp Tết Nguyên đán. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm xây dựng để trình TP ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất vụ Đông.
Đồng thời, yêu cầu các huyện, thị xã cùng các đơn vị thủy lợi tiếp tục rà soát kế hoạch trồng cây vụ Đông để chủ động chống hạn, úng. Đặc biệt, giao cho các đoàn thể đứng ra nhận diện tích gieo trồng và vận động hội viên tham gia đẩy mạnh sản xuất vụ Đông.
Có thể bạn quan tâm

Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng 10.000 tấn cá nước lạnh (7.287 tấn cá tầm và 2.713 tấn cá hồi), đó là mục tiêu cơ bản của dự thảo Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020. Mục tiêu này đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo góp ý Quy hoạch phát triển cá nước lạnh được tổ chức ngày 16/9/2014 tại Lâm Đồng

Để làm được một vụ lúa trên đất nuôi tôm trong điều kiện hoàn toàn lệ thuộc nước trời như ở Cà Mau là một sự nhẫn nại, nhạy bén và đầy tính sáng tạo của nông dân rất đáng trân trọng. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên mức độ thành công khác nhau, dẫn đến suy nghĩ, nhận thức và quyết tâm từng người cũng khác nhau, khiến diện tích và bản đồ canh tác lúa trên đất tôm luôn biến động và thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch, phá vỡ quy hoạch, nhất là những năm thời tiết không thuận.

Tận dụng con nước khi lũ về và diện tích đất canh tác bên bờ sông Hậu, nhiều nông dân xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân - An Giang) đã mạnh dạn đào ao nuôi tôm càng xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua ở Thanh Hoá, chăn nuôi các loại gia súc, như: Trâu, bò thịt, bò sữa, dê... để sinh sản, lấy thịt, lấy sữa đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc đang là một trong những nguyên nhân khiến khả năng sinh sản và cho thịt của con nuôi bị hạn chế.

Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường việc dự báo các đợt rầy nâu di trú để hướng dẫn nông dân xuống giống né rầy đồng loạt, tập trung; phấn đấu trong vụ lúa này có khoảng 90% diện tích gieo sạ được áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.