Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hà Nam Sẽ Tiếp Tục Phát Triển, Nhân Rộng Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Cà Chua Bi

Hà Nam Sẽ Tiếp Tục Phát Triển, Nhân Rộng Mô Hình Liên Kết Sản Xuất Cà Chua Bi
Ngày đăng: 12/06/2014

Mô hình liên kết sản xuất cà chua bi được triển khai thực hiện vào vụ Đông năm 2013 tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Đây là địa phương đầu tiên được UBND tỉnh chọn xây dựng thí điểm mô hình liên kết sản xuất cà chua bi, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Chế biến nông sản Hội Vũ cung ứng và bao tiêu sản phẩm.

Tuy đây là mô hình mới, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có chất lượng cao đảm bảo tính thời vụ và khoa học, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Với diện tích 5,2 ha, mô hình được quy hoạch gọn vùng, giao thông nội đồng thuận lợi, hệ thống thủy lợi kênh mương đáp ứng năng lực tưới tiêu. Toàn bộ 21 hộ tham gia thực hiện mô hình được tỉnh, huyện hỗ trợ toàn bộ chi phí tiền giống, xã hỗ trợ hệ thống kênh mương tiêu thoát nước và Công ty Hội Vũ phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn quy trình sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả mô hình.

Bước đầu thực hiện, cà chua trong mô hình năng suất đạt khoảng gần 02 tấn quả/sào với giá bán theo hợp đồng là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bình quân người trồng có lãi 06 - 07 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, do triển khai muộn so với thời vụ, thời tiết không thuận lợi nên năng suất đạt được chưa cao so với hiệu quả thực tế của cây trồng.

Từ những kết quả đã đạt được của mô hình liên kết sản xuất cà chua bi năm 2013 tại xã Mộc Bắc, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh. Theo Đề án Mô hình liên kết sản xuất cây hàng hóa xuất khẩu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2014-2015, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thì dự kiến mô hình tiếp tục được triển khai tại 06 huyện, thành phố.

Trong đó, năm 2014 sẽ xây dựng 03 mô hình với quy mô 05 ha/1 mô hình trong vụ Thu Đông ở 03 huyện: Duy Tiên, Lý Nhân và Kim Bảng. Còn lại 06 mô hình sẽ được triển khai trong năm 2015.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu cho nông dân.

Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật bám sát mô hình cùng triển khai và hướng dẫn nông dân sản xuất để đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển mô hình sản xuất khi có nhu cầu.

Về việc bao tiêu sản phẩm, UBND tỉnh đề nghị Công ty TNHH Chế biến nông sản Hội Vũ tiếp tục tổ chức ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân ngay từ đầu vụ. Quan trọng hơn, để khuyến khích nông dân tham gia thực hiện mô hình, UBND tỉnh Hà Nam cũng có cơ chế hỗ trợ sau đầu tư với 100% tiền giống và 20% tiền vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).

Những kết quả bước đầu đạt được trong liên kết sản xuất cà chua bi có thể khẳng định việc nhân rộng mô hình là rất cần thiết. Qua đó có thể hình thành vùng sản xuất cây trồng hàng hóa xuất khẩu mang tính bền vững, đạt hiệu quả; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các nhóm hộ sản xuất với doanh nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm an toàn với giá trị cao.


Có thể bạn quan tâm

Thê Thảm Giá Nhím Thê Thảm Giá Nhím

Hàng trăm hộ nuôi nhím thịt, nhím sinh sản trên địa bàn huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đang lao đao, chán nản vì nhím nuôi trên thị trường rớt giá thê thảm

19/04/2012
Trại Chim Trĩ Đỏ Ở Xứ Nghệ Trại Chim Trĩ Đỏ Ở Xứ Nghệ

Từ hai bàn tay trắng, gia đình chị Trần Thị Dương (xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An) đã có cú đột phá "ngoạn mục" nhờ nuôi gà và chim trĩ sinh sản.

11/05/2012
Làng Cá Bè Điêu Đứng Làng Cá Bè Điêu Đứng

Hàng trăm hộ nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền đang điêu đứng vì giá cá giảm mạnh, không tiêu thụ được. Khó khăn còn chồng chất khi đại lý không cho nợ tiền thức ăn nuôi cá nữa.

20/04/2012
Thái Bình Căng Sức Chống Chọi Sâu Cuốn Lá Thái Bình Căng Sức Chống Chọi Sâu Cuốn Lá

Có nhiều điều bất thường về nạn sâu cuốn lá nhỏ được ghi nhận ở Thái Bình trong vụ lúa này. Bất thường thứ nhất là ngay từ 21-26/3, mật độ bướm sâu cuốn lá đã đạt trung bình 3-4 con/m2, có chỗ bu đặc tới 30-60 con/m2- gấp 10-30 lần so với trung bình nhiều năm. Điều đặc biệt, khả năng đẻ của lũ bướm này cũng rất "dữ dội", tỷ lệ nở của trứng gần như 100% nên sâu non xuất hiện với mật độ trung bình từ 100-150 con/m2, nơi cao từ 400-500 con/m2 trên một diện tích cực lớn mà trọng điểm là các huyện như Thái Thuỵ, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư.

15/07/2012
Giống Cây Ăn Trái Ngoại Hút Hàng Giống Cây Ăn Trái Ngoại Hút Hàng

Đã vào mùa trồng cây ăn trái, năm nay nhà vườn thích giống cây ngoại nhập hơn giống nội địa, với lý do trái cây ngoại vừa dễ bán, lại được giá cao.

11/05/2012