Giải Pháp Hiệu Quả Trong Chăn Nuôi

Giảm ô nhiễm môi trường, vật nuôi ít bệnh, tăng trưởng tốt, tiết kiệm chi phí chăn nuôi... là hiệu quả mang lại từ mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được triển khai tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội).
Anh Nguyễn Bắc Chi, thôn 3, chủ trang trại diện tích 6.000m2, nuôi 15.000 con gà, chia sẻ: Năm 2012, được Trung tâm phát triển chăn nuôi TP hỗ trợ cung cấp chế phẩm sinh học, anh Chi mạnh dạn đầu tư, cải tạo chuồng trại và sử dụng đệm lót sinh học cho hầu hết diện tích chăn nuôi của gia đình. Từ khi sử dụng đệm lót sinh học, chuồng trại luôn khô thoáng, đảm bảo vệ sinh; đàn gà sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, hấp thu thức ăn tốt, những bệnh thường gặp không xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Lợi, thôn 5, một trong những hộ đầu tiên sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi cho biết: "Chuồng nuôi của gia đình tôi thường xuyên có từ 60 - 70 con lợn, nuôi xen kẽ 3 - 4 lứa/năm, nhưng đã gần 2 năm mà chuồng nuôi không có mùi hôi thối như trước. Hơn nữa, gia đình tôi còn tiết kiệm được khoảng 50% chi phí lao động, tiền nước, tiền điện...".
Ông Nguyễn Huy Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại cho rằng: Sử dụng đệm lót sinh học là một phương pháp hữu ích, giúp người chăn nuôi tiết kiệm được chi phí thức ăn, tăng trọng lượng vật nuôi, giữ ấm tốt cho gia súc, gia cầm vào mùa đông. Đặc biệt, với phương pháp này, một lao động có thể nuôi với số lượng gia súc, gia cầm lớn mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Ông Nguyễn Đức Dần - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết: Xã Ba Trại nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của TP nên việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là rất cần thiết. Xã có 165 trang trại chăn nuôi tập trung, với 10 trang trại nuôi lợn, 155 trang trại nuôi gà, quy mô từ 5.000 - 20.000 con/trang trại.
Trước đây, do phát triển không theo quy hoạch, "mạnh ai nấy làm" nên tình trạng ô nhiễm môi trường đã có thời điểm ở mức báo động. Năm 2012, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học tại địa phương. Hiện, xã có trên 50% trang trại chăn nuôi sử dụng phương pháp này.
Để mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học đạt hiệu quả và ngày một nhân rộng, xã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho bà con. Đồng thời, khuyến khích các trang trại xây dựng, quy hoạch không gian chăn nuôi, có cây xanh đảm bảo độ thông thoáng.
Có thể bạn quan tâm

Về xã Tân Lập I, huyện Tân Phước (Tiền Giang), nói về anh nông dân giàu lên nhờ trồng rau bồ ngót, ai cũng biết anh Trần Văn Tám. Sinh ra trong một gia đình nghèo nên anh Tám luôn khao khát có cuộc sống khấm khá để "bằng bạn bè". Năm 1988 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Cam-pu-chia trở về, anh lập gia ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, gia đình cho anh 1,2 ha đất ở ấp 3, xã Tân Lập I, huyện Tân Phước.

Sau khi thực hiện thành công đề tài khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc Lutjanus argentimaculatus (Forsskal, 1775)”, nhóm tác giả do Thạc sĩ Nguyễn Địch Thanh (Khoa Nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm đang hoàn thành quy trình sản xuất giống và tiến hành chuyển giao công nghệ cho người dân

Người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước (Bình Định) vô cùng hoang mang khi hàng chục ha tôm mới thả giống chưa được 1 tháng đã lăn đùng ra chết.

Xuân Lộc (Đồng Nai) có 2 mô hình nuôi gà, vịt lớn nhất, hiệu quả nhất không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Đông Nam bộ.