Giải Pháp Để Con Nghêu Mau Lớn

Năm 2012 là một năm đầy khó khăn của các hợp tác xã (HTX) nghêu. Đầu năm 2011, nghêu con và nghêu thịt tại nhiều HTX chết hàng loạt, ở các HTX Tân Thủy, An Thủy (Ba Tri - Bến Tre), tỷ lệ nghêu chết đến 90% nên sản lượng khai thác năm 2012 rất thấp.
Giá nghêu thương phẩm năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Điều đặc biệt quan trọng là đến thời điểm này, tại nhiều bãi nghêu giống ở Thừa Đức, Thới Thuận (Bình Đại), Tân Thủy, An Thủy (Ba Tri), tỷ lệ nghêu con tự nhiên sinh sản thấp, có nơi không thấy nghêu con xuất hiện. Ông Nguyễn An Ri - Chủ nhiệm HTX thủy sản Rạng Đông cho biết, thông thường, từ tháng 4 đến tháng 8 âl, nghêu sinh sản nhưng năm nay tại các bãi nghêu giống không thấy xuất hiện nghêu con tự nhiên. Tại Bãi Ngao (xã An Thủy) - nơi có môi trường thuận lợi nhất để nghêu sinh sản, vẫn không thấy nghêu con xuất hiện. Ông Phan Văn Hùng - Chủ nhiệm HTX thủy sản Thạnh Hải (xã Bảo Thuận) cho biết, do cồn mới nổi và vàm cống bể (đầu đường tắt - chốt biên phòng, giáp Tân Thủy - Bảo Thuận) chắn ngang làm thay đổi dòng chảy nên nghêu giống (bố mẹ) bị nguồn nước cuốn đi chỗ khác…
HTX thủy sản Rạng Đông từ đầu năm đến nay, đã khai thác được 882,66 tấn nghêu, nhưng chủ yếu là nghêu trung sô - nghêu có kích cỡ từ 100 - 120 con/kg, bán cho thương lái (chủ yếu là thu mua về vỗ béo) chứ không có nghêu thương phẩm (nghêu có kích cỡ 60 - 80 con/kg). Các HTX thủy sản Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy chủ yếu khai thác nghêu thương phẩm nhưng sản lượng đạt thấp, có HTX từ đầu năm đến nay chỉ khai thác được một lần, sản lượng từ 20 - 100 tấn.
Vì thế, sau khi trừ chi phí, mức ăn chia chưa quá 300 ngàn đồng/xã viên. Để duy trì hoạt động của HTX, một số đơn vị phải cắt giảm chi tiêu (tiền lương của Ban quản lý) để chi cho các hoạt động bảo vệ sân bãi. Nguồn nghêu con kế thừa thật sự khan hiếm, nghêu thịt hiện có tại bãi chậm lớn, thời gian khai thác nghêu thương phẩm cũng kéo dài, từ một năm đến một năm rưỡi. Ông Nguyễn An Ri cho biết, tại HTX thủy sản Rạng Đông có bãi thì nghêu sinh trưởng rất nhanh, cũng có bãi nghêu chậm lớn.
Ông Liêu Văn Trắng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Thủy cho biết: Những năm trước, do điều kiện thời tiết thuận lợi nên nghêu sinh sản nhiều, mật độ nghêu sống rất cao. Theo kinh nghiệm của bà con, biện pháp san thưa là để nghêu có đủ thức ăn, mau lớn, tỷ lệ hao hụt cũng thấp đi rất nhiều. Hai năm gần đây, nguồn nghêu con tự nhiên ngày càng ít đi, bà con không san thưa. Tại các bãi nghêu sinh sản, đất bị chai, chất phù sa ít, chính là nguyên nhân khiến nghêu nuôi chậm lớn. Nếu nghêu sinh trưởng tốt, mau lớn thì các khía của vỏ nghêu thưa và đều, còn nghêu chậm lớn thì các khía của nó rất nhặt, vỏ không bóng, thương lái chê…
Theo nguồn tin từ nhiều HTX, nghêu thương phẩm không đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến của tỉnh. Quyết định số 29, ngày 21-10-2010 của UBND tỉnh về qui hoạch khu bảo tồn vùng nghêu tại cửa sông Ba Lai đã cấm khai thác nhằm bảo vệ nguồn nghêu giống. Quyết định nêu còn chung chung, chưa giao nhiệm vụ cho đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý cụ thể, chưa có chế tài xử phạt nên trong thời gian qua, có trường hợp khai thác nghêu trái phép, nhưng bị xử lý nhẹ. Nếu không bảo tồn tốt vùng nghêu giống, con nghêu của tỉnh sẽ mất dần.
Có thể bạn quan tâm

Kết thúc quí 1-2013, tình hình dịch bệnh xảy ra đối với thủy sản nuôi ở các tỉnh ven biển ĐBSCL giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, một số nhà chuyên môn cho biết vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt khi chưa có biện pháp phòng, trị bệnh hữu hiệu cho hai đối tượng nuôi chủ lực là tôm và nghêu.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), khác với nhiều năm trước, lượng hồ tiêu xuất khẩu quý 1 năm nay tăng đột biến, trên 38.300 tấn với kim ngạch hơn 254 triệu USD, tăng trên 23,5% về lượng và 20% về giá trị.

Ông Trương Văn Te, ngụ ấp Cần Thuận, xã Cần Đăng (Châu Thành, An Giang) cho biết, tận dụng diện tích đất trống quanh nhà và 1 công đất ruộng, ông xây dựng bồn nuôi ba ba hơn 5 năm nay. Ngoài cung cấp ba ba thịt, gia đình ông còn cung cấp ba ba giống với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/con. Hàng năm, gia đình ông thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ bán ba ba thịt và ba ba giống.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), đến thời điểm này, toàn huyện đã thả nuôi được 310ha tôm, gồm 250ha tôm thẻ chân trắng và 60ha tôm sú.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã vươn lên tìm hướng thoát nghèo, trong đó có mô hình nuôi heo rừng lai.