Giá Trái Cây Tăng Mạnh Ở Phú Yên

Hơn tuần nay, một số loại trái cây được bán trên thị trường Phú Yên với mức giá khá cao. Đây là lần tăng giá đầu tiên kể từ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 của mặt hàng này.
Hiện giá một số loại trái cây được bán trên thị trường tăng từ 10 - 40% tùy loại. Cách đây không lâu, thanh long có giá 37.000 đồng/kg nhưng hiện đang ở mức 45.000 đồng/kg, vú sữa 45.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng), mãng cầu 60.000 đồng/kg (tăng 22.000 đồng), bưởi da xanh 48.000 đồng/kg (tăng 18.000 đồng), xoài cát Hòa Lộc 50.000 đồng/kg (tăng 12.000 đồng/kg)… Ngoài một số loại trái cây vẫn bán ở mức giá cũ thì các loại trái cây kể trên có giá bán cao là vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Bà Lê Thị Mỹ Lan, ở phường 5 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Đang bước vào đầu mùa khô, khí hậu oi bức, nhu cầu dùng trái cây của gia đình tôi cũng tăng. Không có cảm giác ngon miệng khi dùng cơm thường ngày, các thành viên trong gia đình đều muốn dùng trái cây nhiều hơn để thay thế và bổ sung lượng vitamin cần thiết. Nhưng giá trái cây hiện nay tăng quá cao. Muốn ăn trái cây, tôi phải bớt tiền mua những thứ khác”.
Giải thích nguyên nhân tăng giá, chị Nguyễn Thị Như, tiểu thương hàng trái cây chợ Tuy Hòa cho biết: “Thường sau Tết Nguyên đán thì các loại trái cây được chuộng trong những ngày tết như bưởi, mãng cầu, thanh long… thường tăng giá. Vì nhu cầu của người tiêu dùng cao trong dịp tết nên các nhà vườn đã hái trút cả cây để bán; hiện nay lượng trái cây còn lại là không nhiều, dẫn đến “hút hàng”. Trong khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh, nhà vườn phải chia nhau phân phối; giá bán tại gốc đã cao thì giá bán lẻ tăng theo là điều tất yếu”. Cũng theo nhiều tiểu thương ở chợ Tuy Hòa, trái cây bán được giá nhất là vào thời điểm đầu và cuối mùa. Hiện nay, một số loại trái cây vào thời kỳ cuối mùa hay bước vào giai đoạn đầu mùa có giá bán cao như vú sữa, nho xanh, mít… cũng là điều dễ hiểu.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trái cây là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin cần thiết cho cơ thể; là nguồn thực phẩm không thể thiếu và có thể thay thế cho các loại lương thực khác. Vì thế, việc bảo đảm an toàn về chất lượng và nguồn gốc của trái cây là vấn đề đang được người tiêu dùng quan tâm. Với nhiều nguồn tin về trái cây không bảo đảm an toàn chất lượng, trái cây nhập… và thông qua các cuộc tuyên truyền, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, người tiêu dùng có xu hướng chuộng trái cây nội. Chính vì thế, trái cây trong nước đang chiếm được lòng tin của khách hàng và tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Do đó, nếu là trái cây nội địa thì dù tăng giá nhưng người tiêu dùng vẫn chọn mua. Bà Lương Thị Hồng Thắm, ở phường 1 (TP Tuy Hòa) cho hay: “Biết giá trái cây đang tăng cao nhưng tôi vẫn mua; vì đây là thực phẩm cần thiết và tốt cho cơ thể, nhất là đối với người lớn tuổi như tôi. Tôi tin dùng trái cây trong nước, giá có đắt hơn đôi chút nhưng an toàn với người tiêu dùng và góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đang triển khai nắm bắt tình hình giá cả, hàng hóa; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu mua, giá cả các loại trái cây, thực phẩm của các tiểu thương và giao dịch tại các chợ đầu mối để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh trường hợp tiểu thương tự ý tăng giá, góp phần bình ổn thị trường, chống tiêu cực trong kinh doanh, thương mại.
Có thể bạn quan tâm

Để góp phần thúc đẩy nghề nuôi lợn rừng phát triển bền vững, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án khảo nghiệm nuôi lợn rừng sinh sản tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát thuộc Chương trình khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ. Dự án khảo nghiệm với 2 mục tiêu chính: Đánh giá sự thích nghi của lợn rừng đã được thuần hóa nguồn gốc Thái Lan tại huyện Bát Xát; cho phối giống tạo ra giống thuần chủng có chất lượng cao.

Đề cập tới nghề nuôi cá tra (CT), thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện các cụm từ: “Treo ao”; người nuôi thua lỗ, thiếu vốn; xây dựng nhà máy chế biến CT theo kiểu phong trào... Đó là “một góc” hiện trạng nghề nuôi CT ở vùng ĐBSCL cần có các giải pháp giải quyết.

VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) được kỳ vọng là hướng phát triển bền vững của ngành nuôi tôm nước lợ. Riêng tại Quảng Nam, dù có được kết quả bước đầu nhưng việc nhân rộng mô hình này gặp rất nhiều khó khăn...

Những đợt cúm gia cầm vừa qua khiến không ít hộ nông dân ở TP Cà Mau loay hoay tìm mô hình kinh tế thích hợp để sản xuất. Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hoá, xã Hòa Thành, vẫn tự tin chọn gà nòi lai làm hướng phát triển kinh tế.

Từ tháng 8-2012 người dân xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đã tìm thấy hướng ra của cây dừa khi gia nhập “vườn dừa mẫu” giống như cây lúa ở ĐBSCL.