Giá Tôm Tăng Mạnh, Nông Dân Trúng Lớn Ở Tiền Giang

Ông Phan Văn Phúc, thương lái chuyên thu mua tôm ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg được các thương lái đến tận ao thu mua với giá 220.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với tuần trước; tôm sú loại 40 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; đối với tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được các thương lái thu mua tăng 5.000 - 8.000 đồng/kg so với tuần trước, có giá 95.000 - 98.000 đồng/kg.
Theo ông Phúc, thời điểm này các vùng nuôi tôm trong cả nước đã vào cuối vụ, sản lượng tôm thu hoạch bắt đầu giảm lại, trong khi nhu cầu chế biến tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp vào dịp cuối năm tăng cao, cộng với sản lượng tôm của các nước xuất khẩu tôm trên thế giới cũng đang khan hiếm nên giá tôm trong nước thời gian gần đây liên tục được “đẩy lên”.
Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân có ao tôm 3.000 m2 ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết: “Ao tôm sú của gia đình tôi đã đạt 30 con/kg với năng suất trên 1,5 tấn, thương lái báo giá 220.000 đồng/kg thu mua tại ao. Với giá này, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi khoảng 180 triệu đồng, giúp gỡ lại tiền giống bị chết trong đợt thả giống trước và có tiền tiếp tục tái sản xuất trong năm sau”.
Nhiều nông dân nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện giá thành nuôi tôm sú khoảng 100.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng 70.000 đồng/kg.
Với năng suất bình quân của tôm sú khoảng 5 tấn/ha và tôm thẻ chân trắng từ 8 - 10 tấn/ha, nếu bà con nào có tôm đến kỳ thu hoạch trong thời điểm này có thể lãi từ 300 - 500 triệu đồng/ha đối với tôm sú và từ 200 - 250 triệu đồng/ha đối với tôm thẻ chân trắng.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thả nuôi tôm trên diện tích 5.082 ha; trong đó có 1.317 ha tôm sú nuôi thâm canh và bán thâm canh, 1.695 ha tôm thẻ chân trắng và 2069 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến. Đến nay đã có 3.317 ha ao tôm (chiếm 65,2% diện tích nuôi tôm) đã thu hoạch với sản lượng 11.065 tấn.
Như vậy, toàn tỉnh còn 1.765 ha ao tôm chuẩn bị thu hoạch trong thời gian tới; trong đó có 640 ha tôm sú thâm canh và bán thâm canh, 453 ha tôm thẻ chân trắng và 672 ha tôm sú quảng canh cải tiến.
Có thể bạn quan tâm

Ngoài bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), Đồng Nai còn có nhiều vùng nổi tiếng về trồng cây có múi, như: quýt Thanh Sơn, bưởi da xanh ruột hồng Định Quán… Đây là những dòng cây đặc sản cho thu nhập cao nên ngày càng thu hút nông dân đầu tư mở rộng diện tích.

Chủ động tìm tòi, sáng tạo và chắt lọc những mô hình sản xuất mới lạ để tạo ra các sản phẩm độc đáo, thích ứng nhu cầu thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình là những bước đi đột phá của nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp trong thời gian qua. Dự kiến, nhiều nhà vườn sẽ tung ra một số sản phẩm trái cây độc đáo, lạ mắt cung cấp cho thị trường Tết.

Biện pháp bao trái vừa bảo vệ trái cây hiệu quả, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và rất an toàn cho con người và môi trường. Tuy nhiên để đạt được kết quả như mong đợi, các nhà vườn phải lưu ý tùy từng loại cây trồng mà chọn lựa các loại túi bao phù hợp.

Nhiều nông dân xã Đốc Binh Kiều cho biết, hiện lúa OM 4900 chỉ còn khoảng 4.950 - 5.000 đồng/kg nhưng không dễ bán. Thương lái không đến mua hoặc có đến thì trả giá rất thấp. Tuy nhiên, do phải trả tiền vật tư nông nghiệp, chi phí thu hoạch, nếu trữ lại sẽ không có điều kiện phơi sấy nên nông dân buộc phải bán lúa với giá thấp.

Những ngày này, nông dân trồng chanh ở xã cù lao Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh rất phấn khởi vì giá chanh tăng cao, thương lái tới tận vườn mua với giá từ 10 ngàn - 11 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người trồng chanh có lợi nhuận khá cao. Gia đình ông Bùi Văn Rê ở ấp Bình Linh, xã Bình Thạnh trồng giống chanh bông tím tứ quý. Với 8 công, mỗi năm ông thu nhập trên 150 triệu đồng.