Giá Tăng, Nông Dân Nuôi Cá Tra Phấn Khởi

Đầu năm 2015, giá cá tra nguyên liệu tăng thêm 500 đồng/kg sau khi ổn định ở mức khá cao trong những tháng cuối năm 2014 khiến nông dân phấn khởi. Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua cá tra của nông dân với giá 24.000-25.000 đồng/kg, trừ chi phí, bà con thu lãi 2.000-3.000 đồng/kg.
Ông Lê Thanh My, nông dân nuôi cá tra ở ấp Tân An, xã Tân Phong, Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, tuần qua, giá cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (trọng lượng 750 - 800g/con, thịt trắng, không nhiễm kháng sinh) trên thị trường được thương lái thu mua với giá 24.000 - 25.000 đồng/kg (tùy theo địa phương, doanh nghiệp và thời gian thanh toán), tăng 500 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2014 nên nông dân nuôi cá tra rất phấn khởi.
“Năm ngoái, giá cá tra cũng có những thời điểm biến động nhưng nhìn chung tương đối ổn định. Do đó, những hộ nuôi cá tra nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, có kỹ thuật nuôi tốt thì có thể kiếm được lợi nhuận khá. Năm nay, giá cá tra tăng ngay từ đầu năm nên nông dân hy vọng sẽ tiếp tục có những chuyển biến thuận lợi”, ông My chia sẻ.
Theo tính toán của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, giá thành nuôi cá tra dao động từ 22.000-23.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân còn lãi 2.000-3.000 đồng/kg. Bình quân mỗi hecta nuôi cá tra ở địa phương đạt năng suất khoảng 300 tấn/ha trong 7-8 tháng nuôi, do vậy nếu bà con thu hoạch cá thời điểm này có thể đạt lợi nhuận 600-900 triệu đồng/ha.
Giá cá tra tăng nhưng gần như các hộ nuôi nhỏ lẻ không có cá để bán. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, một phần là do thua lỗ trong những vụ nuôi trước nên dân nuôi cá tra thiếu vốn tái sản xuất. Quan trọng hơn là do đầu ra bấp bênh khiến nông dân e ngại, một số hộ phải “bỏ ao”, nuôi cầm chừng hoặc chuyển sang nuôi một số đối tượng khác. Do đó, hoạt động nuôi cá tra hiện nay chủ yếu diễn ra tại vùng nuôi cá nguyên liệu của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và một số hộ có tiềm lực kinh tế.
Đầu năm 2014, giá cá tra có diễn biến khả quan, tuy nhiên dư âm từ vụ nuôi năm 2013 đã khiến nhiều hộ nuôi hoặc không đủ vốn hoặc trì hoãn quyết định thả nuôi để đợi những tín hiệu vững chắc hơn từ thị trường. Sau một thời gian giá cá tra tăng ổn định, nhiều hộ tiếp tục thả nuôi vụ mới.
Có thể bạn quan tâm

Theo số liệu từ trung tuần tháng 10 đến nay, nông dân trong thị xã đã xuống trên 100 ha hành tím sớm, rải rác ở một số địa phương như phường 2, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Lai Hòa; trong đó, Vĩnh Phước xuống giống nhiều nhất trên 80 ha. Ngoài các địa phương nói trên thì một số hộ xuống giống vào cuối tháng 9/2014, đến nay hành đã gần 1 tháng tuổi, với hi vọng hành bán được giá cao khi thu hoạch.

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn trồng ở niên vụ 2014 - 2015 tiếp tục diễn ra. Qua kiểm tra thực tế, đơn vị này đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại 20ha sắn trồng tại các xã An Hòa, An Nghiệp, An Xuân, tỉ lệ gây hại từ 20% đến 50%.

Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.

Ngoài bán quả sa nhân, thời gian qua, nông dân xã Phìn Ngan còn có thêm thu nhập từ bán cây sa nhân giống cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Bát Xát và một số huyện khác của tỉnh. Thậm chí, nông dân tỉnh khác cũng đến Phìn Ngan tìm mua cây sa nhân tím về trồng. Giá mỗi cây giống từ 3.000 - 5000 đồng. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính, tiền bán cây sa nhân giống của nông dân xã Phìn Ngan năm nay đạt trên 400 triệu đồng.

Mục tiêu của việc thử nghiệm để xác định khả năng chịu mặn của từng giống lúa, từ đó đánh giá mức độ chịu mặn và khả năng thích nghi với từng vùng đất chuyển đổi lúa - tôm, nhằm khuyến cáo nông dân thực hiện trong các vụ mùa tới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống lúa chịu mặn, thích nghi, có năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khắc phục tình trạng thiếu hụt giống, giá thành cao.