Giá Quế Tăng Mạnh

Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ vụ quế của nông dân các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi). Người dân nơi đây đang rất phấn khởi do giá quế đầu vụ bất ngờ tăng mạnh. Mỗi ngày nhiều hộ khai thác từ 200-300kg vỏ quế, thu về tiền triệu, đời sống kinh tế cải thiện đáng kể.
Có hai giống quế chính được người dân miền núi Quảng Ngãi chọn trồng, gồm: quế Trà Bồng và quế Thanh Hóa, trong đó diện tích quế Trà Bồng chiếm khoảng 70%. Quế Trà Bồng có giá 15.000 đồng/kg tươi và 30.000 đồng/kg khô; quế Thanh Hóa có giá bán thấp hơn 12.000 đồng/kg tươi và 26.000 đồng/kg khô. So với năm ngoái, đầu vụ này giá mua quế tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Theo bà Lâm Thị Thu Hiền, chủ đại lý thu mua quế Trà Bồng (tại thôn 3, xã Trà Thuỷ), mỗi ngày gia đình bà thu mua từ 2-3 tấn quế. Sau 3 ngày phơi khô, có thể xuất bán ngay cho thương lái Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Vì lượng quế dồn về nhiều nên gia đình bà phải thuê thêm 10-15 lao động phụ giúp.
Bà Trần Thị Hạ, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng, cho biết: “Năm nay sản lượng quế nhiều hơn năm ngoái, chất lượng cũng tốt hơn. Mới 10 ngày mà công ty đã nhập gần 100 tấn quế. Nhiều người trúng quế, chở cả xe tải tới bán, thu về hơn chục triệu đồng. Từ trước tới nay, cuộc sống người dân ở đây rất khó khăn, giàu nghèo nhờ cây quế; nay quế được mùa, được giá thấy cũng mừng thay cho bà con”.
Vừa phơi vỏ quế tươi, chị Hồ Thị Dượng ở thôn 3, xã Trà Thuỷ, vui mừng: “Ở đây nhiều người trúng lắm. Mấy năm trước quế Thanh Hoá ùn vào ồ ạt khiến giá quế rớt thê thảm, nhưng năm nay tình trạng này không xảy ra nên quế được giá. Tôi không có đất để trồng nên phải đi làm thuê cho đại lý; mỗi ngày làm 8 tiếng đồng hồ, được trả công 130.000 đồng/ngày phấn khởi lắm”.
Vỏ quế dùng chế biến hương, chiết nấu tinh dầu, xay bột xuất khẩu… đem lại nguồn lợi kinh tế cao, nên người dân các huyện miền núi Quảng Ngãi có thêm động lực để gắn bó. Về phía huyện cũng đã ưu tiên hỗ trợ giống để bà con trồng và nhân rộng loại cây chủ lực này, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững.
Hiện, tổng diện tích quế của 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà hơn 5.000ha. Quế Trà Bồng là 1 trong số 4 đặc sản của Quảng Ngãi đã được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2012.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn về con tôm công nghiệp thì huyện Phú Tân lại có nhiều chuyển biến tích cực cả về diện tích lẫn năng suất, hiệu quả mô hình này.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, việc lựa chọn cây con giống thích ứng với từng vùng đất là hết sức quan trọng, áp dụng các biện pháp nuôi trồng thích hợp là yếu tố quyết định giúp nhà nông thành công. Thực tế cho thấy các mô hình nuôi trồng kiểu sinh học, sinh thái, tự nhiên hay nuôi xen, trồng xen đều cho hiệu quả kinh tế khá bền vững.

Nhiều năm nay, ông Bùi Vĩnh Hiệp, xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp An Nhứt (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã sử dụng phân vi sinh trong việc bón lót cho ruộng lúa của mình. Nhờ đó, năng suất lúa tăng lên 1 tấn/ha, tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 50% so với trước.

Với mong muốn nông dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần với ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất việc hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh qua từng năm, kết thúc vào cuối năm 2015...

Phấn đấu đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 7.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, cấp chứng nhận mới cho 800 ha và tái cấp chứng nhận khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân đều chưa thấy được lợi ích mà VietGAP mang lại. Do đó, sự tích cực tham gia chương trình VietGAP của không ít bà con đã giảm hơn trước...