Giá Điều Giảm, Nông Dân Lao Đao

Điều là một trong những cây trồng chủ lực của Bình Phước, góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Tuy nhiên, giá đang giảm mạnh khiến hàng trăm hộ dân trồng điều lo lắng, băn khoăn không biết nên tiếp tục duy trì loại cây này hay chặt bỏ...
Đầu năm 2011, người trồng điều Bình Phước nói riêng và ngành điều cả nước nói chung rất phấn khởi vì giá điều tăng cao, có lúc lên đến 37.000-38.000 đồng/kg. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi giá điều đã giảm liên tục, hiện chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Hồng Thái ở xã Tân Tiến (huyện Đồng Phú) cho biết, gia đình có 10ha điều đang thu hoạch, năng suất ước đạt gần 1 tấn/ha, đến nay đã thu hoạch được 4 tấn. Với giá điều đầu vụ, gia đình anh lãi trên 200 triệu đồng, thế nhưng bây giờ giá điều giảm nên anh chẳng mong đợi gì nhiều. Theo anh Thái, nguyên nhân chủ yếu khiến điều sụt giá là do thương lái viện cớ hạt điều xấu vì trời mưa nên ép giá nông dân, trong khi giá điều thế giới không hề giảm. “Hiện, tôi vẫn thuê nhân công thu hoạch điều, phơi sấy cẩn thận, đóng bao để chờ giá lên mới bán. Tôi thà chịu lỗ chứ cương quyết không để cho thương lái ăn chặn”, anh Thái nói.
Ông Hoàng Văn Thiệu ở thôn 8, xã Long Hà (huyện Bù Gia Mập) bức xúc: “Thương lái chỉ chờ trời mưa xuống là viện cớ giảm giá. Trời mưa ảnh hưởng đến bề ngoài của hạt điều, làm hạt bị xỉn màu, nhưng không thể hạ tới hơn 10.000 đồng/kg được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, điều là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 157.000ha điều, sản lượng đạt gần 157.000 tấn/năm. Tháng trước điều được giá, nhiều gia đình đã tích cực thuê nhân công thu hái, sơ chế, nhưng lời lãi chưa được là bao thì giá điều giảm, khiến bà con gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này chủ yếu là do thương lái ép giá nông dân. Chính nghịch lý này đang làm người trồng điều mất niềm tin vào các doanh nghiệp thu mua, chế biến.
Đáng nói là hệ thống thu mua điều còn nhiều hạn chế, hầu hết các doanh nhiệp không trực tiếp thu mua mà phải thông qua hệ thống thương lái. “Nếu ngành điều không sớm đưa ra những biện pháp nhằm giúp nông dân giảm bớt khâu trung gian trong việc mua bán, ổn định giá cả thì chắc chắn trong tương lai, diện tích điều sẽ tiếp tục giảm. Hiện, đã có nhiều hộ chặt bỏ điều để chuyển sang trồng cao su”, ông Đon cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm cho nông dân”, 3 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tích cực phối hợp doanh nghiệp cung ứng hơn 2.000 tấn phân bón NPK cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

UBND xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái phối hợp Công ty Canon Việt Nam vừa tổ chức chương trình “Ngày hội trồng rừng” trên địa bàn xã. Đã có 50ha cây chè Shan tuyết được trồng. Đây là hoạt động thuộc dự án trồng rừng “Vì một Việt Nam xanh”.

Sau khi lặn lội sang tận Mỹ để tìm bằng chứng, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đang tiếp tục hoàn thành các thủ tục để sau hơn 1 tháng nữa có thể chính thức đưa vụ kiện bán phá giá gà Mỹ tại thị trường Việt Nam ra tòa.

“Cá sủ vàng rất quý hiếm, đặc biệt giá trị trong lĩnh vực y học nên mỗi con bắt được thường có giá trị rất lớn khi được rao bán”, GS. TS. Mai Đình Yên, Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết.

Rất nhiều làng nghề gốm ở Nam Trung Bộ đã “đóng lò”. Thế nhưng làng “đất nung” Nhạn Tháp - Vân Sơn ở xã Nhơn Hậu (huyện An Nhơn, Bình Định) vẫn đỏ lửa mỗi ngày…