Gia Cầm Chết Hàng Loạt Ở Phú Yên

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, ở các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (Đồng Xuân - Phú Yên) liên tục xảy ra tình trạng gà, vịt chết hàng loạt. Khác với các đợt dịch trước, đợt này nhiều gia đình bị sạch chuồng, thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Đầu giờ buổi sáng, khi cho vịt ăn, bà Huỳnh Thị Ngọ ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) sững người khi thấy 2.000 con vịt ăn không hết một nửa trong số 4 bao cám như thường lệ. Đến chiều, khi 20 con vịt lăn ra chết, bà vội đi mua thuốc rồi gọi cán bộ thú y đến tiêm, nhưng mấy ngày sau đó, đàn vịt vẫn có trên 100 con chết. “Tiền mua thuốc ngốn hết 30 triệu đồng, đã vậy ngày đầu đàn vịt đẻ giảm xuống chỉ còn 1.000 trứng (bình quân đàn vịt 2.000 con, đẻ 1.800 trứng), sau đó ngưng bặt. Tính ra đợt dịch này, gia đình lỗ gần 80 triệu đồng”, bà Ngọ nói.
Trước đó, đàn vịt gần 2.000 con của ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng ở thôn Phước Nhuận đang nuôi thả ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) bị bệnh chết sạch. Thời điểm áp Tết Giáp Ngọ, hồ chứa nước Phú Xuân cắt nước nên xác vịt nằm lại dưới lòng kênh. Đàn vịt của bà Ngọ ở cạnh đó nên bị lây bệnh.
Trại gà của ông Mạnh Văn Hòa ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) chuyên nuôi gà nòi lai cũng bị dịch tấn công. Chưa đầy nửa tháng, đàn gà gần 100 con của ông chết không còn một con. Ông Hòa than vãn: “Khi phát hiện gà bệnh, tôi lấy rượu rít (con rít ngâm rượu) cho gà uống, trước đây qua khỏi nhưng lần này thì không.
Gà liên tục chết nên tôi vội đem số còn lại lên nhà ngoại ở xã Xuân Phước gửi, nhưng gà vẫn lăn ra chết. Mấy lần dịch trước, gà rừng lai không ảnh hưởng, thế nhưng lần này trong đàn gà của tôi có 2 con gà rừng cũng không còn”. Cũng theo ông Hòa, trung bình mỗi con gà nòi lai nặng gần 2kg, giá bán hiện nay trên 100.000 đồng/con, đợt dịch vừa qua ông mất gần 10 triệu đồng.
Dịch bệnh trên đàn gà còn lây lan qua thôn Phước Nhuận. Nhà bà Trương Thị Hương nuôi gần 20 con gà thả vườn, trước tết số gà đi ăn bỗng lăn ra chết, gà mái ấp trong ổ cũng nằm gục đầu chết tại chỗ, gà con mới nở cũng chết theo. “Khi gà bị bệnh, tôi tính đi mua thuốc về tiêm nhưng chai thuốc 100 liều thì phải mua nguyên chai, trong khi đàn gà chỉ có 20 con, mua lẻ họ không bán nên thôi. Cả xóm này, gà nhà ai cũng chết sạch”, bà Hương cho biết.
Ông Phạm An Vương, cán bộ thú y xã Xuân Quang 3 cho hay: “Bệnh xảy ra trên đàn gà là bệnh gà rù, còn bệnh trên đàn vịt vừa qua chúng tôi đã kiểm tra là bệnh đường ruột. Cả 2 loại bệnh này là do vi rút nên lây lan rất nhanh, nhưng chỉ có thuốc tiêm phòng, không có thuốc trị.
Công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm ở đây gặp rất nhiều khó khăn do người dân không chịu tiêm phòng. Các đợt tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng… cho bò, heo cán bộ thú y đến tận nhà để chủng ngừa nhưng người chăn nuôi không cho tiêm. Chúng tôi đã lập danh sách bảo họ ký xác nhận để sau này có bùng phát dịch không đổ thừa cho cán bộ thú y thì họ không ký mà còn bảo: bò tôi bệnh, tôi chịu!”.
Sở NN-PTNT vừa chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường công tác kiểm dịch giết mổ gia cầm và kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đơn vị này phải phối hợp với UBND các địa phương thực hiện thật tốt đợt tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Có thể bạn quan tâm

Thả giống ra biển là hoạt động được tỉnh Cà Mau tổ chức thường xuyên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư, đặc biệt là ngư dân ven biển không sử dụng các biện pháp khai thác tận diệt, cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.

Nếu như giai đoạn 2005-2010, tỉnh Hưng Yên đã rất thành công với chương trình “sind hoá” đàn bò, góp phần đưa tỉ trọng đàn bò lai sind trong toàn tỉnh đến nay đạt trên 95% tổng đàn, nâng tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên trên 45% trong tổng cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bộ NNPTNT đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kế hoạch xả nước hồ chứa thủy điện tại các tỉnh miền Trung phục vụ sản xuất do tình hình xâm nhập mặn cộng với hạn hán cục bộ đang khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Sở NN & PTNT Hà Nội, lúa vụ xuân năm 2014 trỗ tập trung vào các ngày từ 10 - 15/5. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết âm u, thiếu ánh sáng, nên hiện nay hầu hết diện tích lúa xuân đều có biểu hiện thừa đạm.

Với mục đích khai thác tiềm năng của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập và giúp người dân có định hướng để thoát nghèo bền vững, xã Nam Cường (Chợ Đồn - Bắc Kạn) triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ nuôi dê. Qua gần hai năm thực hiện, Dự án đã có những kết quả khả quan.