Gầy Dựng Lại Mô Hình Nuôi Heo An Toàn Sinh Học

Đầu tư trang trại nuôi heo lớn kết hợp xây dựng hầm chứa biogas, rồi lại dùng gas chạy máy phát điện nghiền thức ăn, chiếu sáng, tắm heo… giúp tiết kiệm chi phí. Đó là cách làm của anh Lê Tấn Hải (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) với mô hình nuôi heo an toàn sinh học (ATSH).
Năm 2007, do có nuôi heo từ trước, lại học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi khác, anh Hải đã mạnh dạn đầu tư làm trang trại nuôi heo ATSH. Thời điểm này, trang trại heo của anh Hải lớn nhất nhì tại thị trấn Ba Chúc, một năm xuất hai lứa heo gần 300 con. Trang trại heo được đầu tư khá kỹ lưỡng, phân thành hai khu riêng biệt, một bên nuôi heo lứa và một bên nuôi heo nái để bán heo con, cũng như chuẩn bị đàn heo dự phòng cho lứa kế tiếp.
Anh Hải trầm ngâm nhớ lại: “Khi heo có giá cao, trừ chi phí tôi lời vài trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng sau đó heo liên tục rớt giá, chi phí đầu tư cao nên chỉ phá huề đến lỗ chứ không lời”. Theo anh Hải, do không có kinh nghiệm nhiều, lại phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, giá thức ăn cứ biến động liên tục, nên chuyện thua lỗ là không tránh khỏi.
Đến năm 2011, anh quyết định treo chuồng, bỏ nghề, nhưng có lẽ cái “duyên” với nghề vẫn theo anh nên đến đầu năm 2013, anh đã quyết định bắt đầu lại sự nghiệp của mình. Anh Hải cho biết, trong chuồng đang có hơn 80 con heo đang vào lứa xuất, 13 heo nái chuẩn bị sinh heo con, nguồn thức ăn dồi dào, không sợ thiếu và ảnh hưởng giá lên xuống vì anh trữ gần 50 tấn cám và bột cá, đủ để cung cấp cho hàng trăm con heo.
Anh Hải chia sẻ: “Mô hình nuôi heo ATSH là đầu tư hầm chứa biogas, tuân thủ quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt, nên heo ít bệnh, ăn khỏe, chóng lớn. Đồng thời, không sử dụng kháng sinh, chất tạo nạc…”. Hệ thống chuồng trại được xây dựng thông thoáng, hệ thống biogas khép kín nên không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế mùi hôi. Hằng tháng, nhờ nguồn biogas dồi dào mà anh Hải tiết kiệm điện vận hành máy trộn thức ăn, hệ thống đèn chiếu sáng…
Anh Hải đang đầu tư mua thêm 6 chuồng nái CP (kiểu chuồng heo của Thái Lan, bên dưới có lỗ và hộc nhỏ, giúp heo con lọt xuống hộc khi được sinh ra) để chuẩn bị đàn heo nái tiếp theo. Ưu điểm của chuồng CP là heo con sinh ra không bị heo mẹ đè, độ ẩm thông thoáng nên heo con khỏe mạnh, ít bệnh. Ngoài ra, anh Hải còn hỗ trợ kỹ thuật cho những hộ chăn nuôi xung quanh, lúc thì chia liều thuốc, chia thức ăn với giá “hữu nghị”…
Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn, nhưng với lứa heo đang phát triển tốt, giá heo ổn định, anh Hải kỳ vọng sẽ gầy dựng lại thành công với mô hình nuôi heo ATSH này.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, người nuôi tôm Sóc Trăng đã thả nuôi gần 31.000 ha tôm nước lợ, tương đương 7,9 tỉ con giống, đạt 69% kế hoạch. Tuy nhiên đã có 7.400 ha bị thiệt hại, tương đương 1,5 tỉ con giống, chiếm 24% diện tích thả nuôi.

Thời tiết từ đầu vụ đến nay khá thuận lợi, cộng thêm ngư cụ được cải hoán, nâng cấp khá hiện đại là những yếu tố quan trọng cho vụ cá Nam thắng lợi.

Cuối tháng 7-2015, giá bán cá tra vẫn tiệm cận với giá thành. Người nuôi cá ở ĐBSCL vẫn đang lo lắng. Tình trạng này đã kéo dài hơn 10 năm qua. Thế nhưng việc Hiệp hội Cá tra Việt Nam bước đầu “lập được bản đồ nuôi cá tra” ở ĐBSCL đang mở ra hướng phát triển căn cơ cho nghề nuôi cá.

TS. Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Thủy sản (Trường đại học Cần Thơ), vừa có buổi trao đổi kinh nghiệm với nông dân về điều trị bệnh gan thận mủ ở cá tra. Theo TS. Oanh, ngoài các loại thuốc đặc trị, thị trường đã có vaccine ALPHA JECT Panga 1, chuyên phòng bệnh cho cá tra. Vaccine được nhập khẩu từ Na Uy, qua khảo nghiệm giúp cá chống lại vi khuẩn Edwardsiella ictaluri trong suốt quá trình nuôi.

Ốc len hay còn gọi là linh hoa (tên khoa học Cerithidea obtusa) sống tự nhiên ở những khu rừng ngập mặn hay các bãi bồi ven biển, là loại đặc sản quý có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nuôi ốc len cho thu nhập không cao bằng một số loài thủy sản khác như tôm sú, cua biển, sò huyết... nhưng có ưu thế là phù hợp điều kiện của hộ nghèo, nhất là hộ đang nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng.