Gạo chất lượng cao khẳng định vị thế xuất khẩu

Theo VFA, 7 tháng đầu năm, XK gạo cả nước đã đạt 3,3 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 9% về lượng và 5,5% về giá. Dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, nhưng điểm sáng nhất trong XK gạo 7 tháng đầu năm chính là phân khúc gạo cao cấp.
Cụ thể, sau 7 tháng, XK gạo cao cấp (loại 5% tấm) đã đạt 28,8% tổng lượng gạo XK của cả nước, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Gạo thơm đứng thứ 2 với tỷ lệ 24,67% tổng lượng gạo XK, tăng 15,36% so với cùng kỳ. Nhờ lượng tăng của 2 loại này, gạo Việt Nam đã quay lại chiếm giữ vị trí cao ở nhiều thị trường. Đơn cử như sau 2 năm rất khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với gạo từ Ấn Độ và Thái Lan, kim ngạch XK gạo vào thị trường châu Phi trong 7 tháng đã đạt 15,83% tổng kim ngạch XK gạo của nước ta, tăng đến 47,53%, trong đó gạo thơm là loại gạo được châu Phi ưa chuộng nhất.
“Những con số trên cho thấy, ngành lúa gạo cần chuyển đổi sản xuất theo hướng tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao thay vì gạo phẩm cấp thấp như những năm trước đây”- ông Huỳnh Minh Huệ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng thư ký VFA chỉ rõ: Chuyển đổi sản xuất từ phân khúc gạo chất lượng thấp sang gạo chất lượng cao không phải là việc dễ dàng do gặp khó khăn từ khâu giống đến quản lý chất lượng. Nhiều giống lúa đã bị thoái hóa nên việc sản xuất gạo chất lượng cao chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, quản lý chất lượng gạo XK cũng gặp nhiều vấn đề khi vẫn còn tình trạng sau khi mua lúa ở các hộ dân, thương lái sẽ trộn lẫn các loại lúa hạt dài với hạt tròn rồi đem về nhà máy xay xát ra gạo, bán cho DN. DN XK và DN nhập khẩu ở nhiều thị trường đều đang chấp nhận cách làm dễ dãi như vậy, tạo thành thói quen khó bỏ. Tuy nhiên, khi mở rộng ra các thị trường lớn, đặc biệt là những thị trường khó tính, việc làm này không thể chấp nhận được.
Ông Huệ khẳng định: Thời gian tới, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó có tái cơ cấu ngành gạo; sử dụng giống xác nhận, thuần chủng, phải thực hành canh tác tốt, quản lý chất lượng đồng đều, làm sao hạt gạo phải đồng nhất về chất lượng. Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu gạo theo đúng Đề án đã được Chính phủ quy định. Nếu không giải quyết được vấn đề này, trong hoàn cảnh XK gạo gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ta không những sẽ mất thị trường truyền thống mà còn không thể thâm nhập vào các thị trường mới.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, dịch bệnh xảy ra liên tiếp làm tôm chết hàng loạt khiến bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không khỏi lo lắng, hoang mang. Trước thực trạng này, trong khi nhiều hộ gia đình vẫn tiếp tục bám trụ với tôm thẻ chân trắng thì số khác lại chuyển sang nuôi giống cua xanh thương phẩm...

Theo ngành thủy sản các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh trong vùng vừa xuất 53.000 tấn cá tra, nâng tổng lượng cá tra đã xuất từ đầu năm đến nay lên 592.000 tấn, trị giá 1,6 tỷ USD.

Nhờ chăn nuôi bò sữa mà gia đình chú Nguyễn Văn Niêu (75 tuổi, ở ấp Bến Giảng, xã Phú An, huyện Bến Cát - Bình Dương) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững…

Với ý chí tự lực làm giàu bằng mô hình nuôi ếch sinh sản và ếch thịt trong bể xi măng, thanh niên Bùi Sơn Nam, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang hiện là dân quân cơ động, nhưng có thu nhập khoảng 200 triệu đồng ngay năm đầu thực hiện mô hình.

Năm nay, phần lớn lượng nghêu (ngao) thu hoạch ở vùng ben biển tỉnh Tiền Giang chỉ được tiêu thụ nội địa nên giá nghêu thương phẩm đã giảm mạnh xuống còn 27.000 - 28.000 đồng/kg so với mức 35.000 đồng vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, người nuôi nghêu vẫn có lãi, bởi nghêu nuôi không bị chết bất thường như hai năm trước, và với mức giá hiện nay, lợi nhuận từ nghề nuôi nghêu vẫn rất cao.