Gà Đông Tảo Cháy Hàng

Mấy năm gần đây, gà Đông Tảo đã được nhiều người dân các tỉnh, thành phía Nam biết đến như một đặc sản và tiêu thụ khá mạnh vào dịp Tết Nguyên đán. Trại gà Đông Tảo lớn nhất tỉnh Đồng Nai hiện nay của anh Vũ Ngọc Tuấn ở xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom) năm nay đã trong tình trạng “cháy” hàng.
Đến trại gà Đông Tảo của anh Tuấn vào những ngày này, chỉ nghe chủ trại nói chuyện về gà giống, còn gà thịt tết, anh cho hay đã hết từ lâu rồi. Nếu như những năm trước, lượng gà cung ứng cho thị trường tết ở trại của anh tập trung vào 2 tuần cuối của tháng 12 âm lịch thì năm nay khách lại mua gà mạnh ngay từ cuối tháng 10 đầu tháng 11.
Anh Tuấn cho biết, gà bán tết năm nay đã hết trước Noel. “Năm ngoái đến gần tết, lượng gà bán mới nhiều, chỉ trong vài ngày tôi bán hơn 1 ngàn con gà thịt. Còn năm nay gà hết từ sớm, mới tháng 10 mà nhiều nơi đã đặt trước, sang tháng 11, số gà đặt hàng lên đến trên 500 con và khách mua trực tiếp hơn 200 con. Thời điểm này tôi phải từ chối liên tục nhiều khách gọi điện đến hỏi mua gà tết” - anh Tuấn nói.
Năm nay, anh Tuấn cũng chuẩn bị 1 ngàn con gà để bán tết nhưng đã hết từ khá sớm. Tình hình này nằm ngoài dự tính của anh. Hiện nhiều khách đến mua gà chấp nhận mua cả loại gà chưa đủ trọng lượng (gà trống trên 3,5kg/con, gà mái hơn 2 kg/con). Theo anh Tuấn, sở dĩ gà tết năm nay hết sớm là do lượng khách mua gà về để biếu đông. Ngoài ra, số khách quen cũng sợ vào dịp tết “cháy” hàng nên tranh thủ đặt trước.
Một nguyên nhân nữa khiến trại gà Đông Tảo này sớm “cháy” hàng tết sớm là do giá bán khá ổn định, không bị “làm giá” ở lúc cao điểm. Dù gà tết khá hút hàng, nhưng chủ trại vẫn giữ mức giá như ngày thường là 350 ngàn đồng/kg gà trống và 300 ngàn đồng/kg gà mái. Mức giá gà này đã được anh Tuấn giữ ổn định suốt 3 năm nay.
Hiện nay ở các tỉnh, thành phía Nam cũng có khá nhiều trại gà Đông Tảo, thế nhưng khách ở xa vẫn tín nhiệm trại gà Đông Tảo ở Đông Hòa. Đây là trại gà thuần chủng khá lớn và được xem là đầu tiên ở phía Nam. Hiện nay, anh Tuấn vẫn duy trì 500 gà mái đẻ và 100 con gà trống giống, tổng đàn gà dao động từ 5 - 6 ngàn con. Kế hoạch phát triển trại gà của anh Tuấn vẫn là tập trung vào gà giống và một phần gà thịt.
Có thể bạn quan tâm

Nhận thấy rủi ro từ nuôi tôm công nghiệp cao, chi phí nuôi lớn, anh thanh niên Đào Văn Sáng (khu 9, phường Hải Hoà, TP Móng Cái, Quảng Ninh) đã cải tạo đầm nuôi và chuyển sang nuôi cua thương phẩm. Sau hơn chục năm gắn bó với mô hình này, đến nay anh Sáng đã gây dựng được một cơ ngơi khá vững chãi.

Khi thấy việc trồng trọt không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước, năng suất ngày càng giảm, anh Trần Quang Khải (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã tìm cho mình một hướng đi mới từ chăn nuôi dê. Đầu năm 2004, với số tiền ít ỏi dành dụm được, anh mua 5 con dê giống về nuôi thử, đồng thời trồng cỏ lấy thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có gần 20.000ha đất quy hoạch sản xuất lúa đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần là do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khiến vùng ven biển, ven sông đều nhiệm mặn.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho thấy xuất khẩu thủy sản trong quý I năm nay đạt khoảng 1,5 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu thủy sản trong năm nay sẽ đạt 7 tỉ USD, trong đó xuất khẩu cá tra sẽ là 1,8 tỉ USD, bất chấp thị trường Mỹ đang gặp khó khăn vì nước này áp thuế chống bán phá giá ở mức cao gây bất lợi cho cá tra của Việt Nam.

Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là ba công cụ mà các nước nhập khẩu thời gian qua đã áp dụng vào hàng hóa thủy sản của Việt Nam.