Được - Mất Rau Mùa Đông

Trong khi các “vựa rau” ở Tư Nghĩa hay TP.Quảng Ngãi tiêu điều vì bị mưa vùi gió dập thì nhiều ruộng la ghim của nông dân xã Đức Thạnh (Mộ Đức) lại bán được giá.
Xà lách, tần ơ và các loại cải là những loại rau phổ biến và thông dụng nên đường tiêu thụ hiếm khi bị hẹp. Với lý do này, nó thường được người trồng rau ưu ái dành một phần diện tích không nhỏ mỗi khi vào vụ. Có điều, loại này chỉ cho nông dân tiền khi nó sống trong thời tiết dịu nhẹ, ít mưa. Chẳng thế mà sau cơn bão số 11, người trồng rau ở các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa); Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) điêu đứng, khốn khổ, mất cả công lẫn của vì đồng rau tiêu điều, xơ xác.
Nhưng trái với các địa phương trên, nông dân xã Đức Thạnh lại đang tất bật thu hoạch rau để kịp cung cấp cho thương lái. “Từ sáng giờ cắt được 30 kg rau mã đề mà bạn hàng vẫn bảo thiếu. Không biết sao mà mấy hôm nay, loại rau này bán chạy dữ”, vừa nói, chị Trần Thị Hồng ở thôn Lương Nông Nam vừa dồn rau vào bao để dành cho mối quen ở chợ Thi Phổ, thị trấn Mộ Đức. Trong khi đó, bà Bùi Thị Thân, ngụ cùng thôn không phải mỏi lưng vì ngồi cắt từng mớ rau như chị Hồng, mà cứ hai ngày một lần bà dạo một vòng quanh vườn cà tím rộng chừng một sào là đã có 20kg, thu về 100 ngàn đồng. Số tiền đủ giúp gia đình bà trang trải chi phí sinh hoạt.
Cùng với chị Hồng, bà Thân thì hiện giờ, hàng trăm hộ nông dân của xã Đức Thạnh, mà chủ yếu tập trung ở thôn Lương Nông Nam rất phấn khởi vì rau của họ bình yên sau hai cơn bão số 10 và 11, lại được giá. Cụ thể, rau má, mã đề 10.000 - 12.000 đồng/kg, cà các loại 5.000 - 5.500 đồng/kg... Đây được xem là mức giá lý tưởng đối với 3 loại rau trên. Vì theo người trồng rau Đức Thạnh thì hồi đầu tháng 10, giá rau má, mã đề chỉ dừng ở mức 6.000 - 8.000 đồng/kg; còn các loại cà bi, cà tím và cà xanh chỉ có 1.500 - 2.000 đồng/kg. Đây không phải lần đầu, giá rau bị mưa bão chi phối. Mà cứ đến mùa đông, rau xanh lại rơi vào cảnh “mất mùa được giá”.
Nguyên nhân là các loại rau như cải, xà lách, hẹ, tần ơ, rau muống, mồng tơi, bồ ngót… mẫn cảm với thời tiết nên dễ hư hỏng, nhất là khi gặp mưa gió. Với lý do này nên hai năm qua, rau vụ đông của nông dân Đức Thạnh chỉ gói gọn trong ba loại: Rau má, mã đề và cà.
Lý giải sự lựa chọn này, chị Hồng bảo rằng: “Các loại rau trên dễ trồng, thời gian thu hoạch kéo dài lại chịu được mưa gió”. Nói thế không có nghĩa cứ đến mùa đông là người người rủ nhau trồng rau má, mã đề hay cà. Mà ở đây, “nông dân cần phân bổ diện tích trồng giữa các loại rau quả; đặc biệt ưu tiên cho những loại thích “ngậm nước”, Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh Nguyễn Văn Năm đề xuất. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của người trồng rau. Bởi họ cho rằng, lâu nay, việc trồng rau phụ thuộc vào cảm tính của nhà nông, mà không chú trọng đến yếu tố thời tiết.
Thế nên mới đầu mùa đông, nhiều người đã phải khốn khổ vì rau hỏng, còn cây lấy quả thì ngã đổ hàng loạt. Nhưng để né được tình trạng trên thì nông dân cần được hỗ trợ công tác xác định và lựa chọn giống, kỹ thuật xen canh và các biện pháp bảo vệ rau quả. Có như thế thì vào mùa đông, nhà nông mới bớt khó.
Có thể bạn quan tâm

Khoảng 70% sản lượng cá tra nguyên liệu thuộc vùng nuôi của doanh nghiệp hoặc hợp đồng gia công với hộ nuôi. Riêng đối với hộ nuôi, chỉ có khoảng 27% hộ bán cá cho DN chế biến...

Có mặt trên thị trường đã nhiều năm nhưng người tiêu dùng không nhận diện được, nay thịt heo sạch đã có đơn vị bao tiêu, phân phối
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, tình trạng bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ vẫn còn diễn ra tại một số địa phương và có chiều hướng phức tạp, thủ thuật tinh vi hơn.

Người dân Đà Lạt đành phải bấm bụng chặt bỏ cây đặc sản có một không hai ở Việt Nam.

Thông tin về tình hình sản xuất tiêu thụ cá tra, đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam (VNPA) cho biết, khối lượng hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra trong hai quý cuối năm tăng mạnh so với hai quý đầu năm.