Được Giá, Người Nuôi Yên Tâm Sản Xuất

Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.
Vụ nuôi 2012-2013, xã Nhơn Hải có 78 hộ nuôi tôm hùm thương phẩm với 40.230 con, đến thời điểm này đã xuất bán trên 70%. Theo bà con nuôi tôm hùm ở địa phương, hiện tại, giá tôm hùm loại I là 1,6 triệu đồng/kg, loại II là 1,5 triệu đồng/kg và loại III khoảng 1,4 triệu đồng/kg. Ông Dương Văn Đức, ở thôn Hải Đông, cho biết: “Vụ vừa rồi gia đình tôi nuôi 2.400 con, hao hụt gần 40%, chỉ xuất bán chưa đầy 1.500 con. Dù giá tôm thịt tăng cao nhưng giá tôm giống cũng cao, lại hao hụt nhiều, tôi còn lãi khoảng 150 triệu đồng”.
Ông Phạm Thành Thệ, ở thôn Hải Nam, nuôi hơn 6.000 con tôm hùm giống, đến thời điểm này đã xuất bán trên 80%, thu lãi 290 triệu đồng. Ông Thệ bộc bạch: “Làm nghề nuôi tôm hùm lúc nào cũng lo thời tiết không thuận, rồi dịch bệnh tôm, công chăm sóc vất vả đủ bề. Năm nay nhờ giá bán tăng nên cũng bù trừ cho giá mua tôm giống và thức ăn nuôi tôm”.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải: Tôm hùm nuôi bị dịch bệnh dẫn đến hao hụt nhiều là do ô nhiễm nguồn nước, ý thức bảo vệ môi trường của người nuôi còn thấp. Tôm bị bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, giá thức ăn nuôi tôm tăng cao, hiện 35-40.000 đồng/kg; một con tôm hùm từ khi nuôi đến khi xuất bán phải mất từ 500-700 ngàn đồng tiền thức ăn.
Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: So với cùng kỳ năm trước, số lượng tôm nuôi năm nay giảm, người nuôi gặp nhiều khó khăn, nhưng tôm được giá, có lãi khá nên bà con yên tâm tiếp tục thả nuôi vụ mới. Hiện tại, số lượng tôm mới thả nuôi phát triển tốt, dịch bệnh chưa xảy ra. Tuy nhiên, người nuôi tôm cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tránh tình trạng dịch bệnh lây lan.
Được biết, vụ nuôi tôm 2012-2013, người nuôi tôm hùm ở Nhơn Hải đã xuất bán gần 12 tấn tôm thương phẩm cho các thương lái đến từ Phú Yên, Khánh Hòa…, thu về gần 18 tỉ đồng. Hiện đã có 49 hộ đầu tư trên 11 tỉ đồng tiếp tục thả nuôi 40.600 con tôm hùm giống, với 32 bè nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 30-7, UBND tỉnh tổ chức họp với các sở, ngành và địa phương để chỉ đạo một số giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang; định hướng, mục tiêu phát triển đến năm 2020 và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Nằm trong chương trình xóa đói giảm nghèo, dong riềng từ nhiều năm qua đã được chính quyền tỉnh Bắc Kạn coi là cây trồng chủ lực. Nhưng chính sự phát triển ồ ạt đã biến cây này thành gánh nặng nợ nần cho nông dân.

Ông Hoàng cho biết thêm, kể từ ngày 25-8-2014 các doanh nghiệp và cá nhân được vay vốn tới 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với thời hạn vay vốn 11 năm và lãi suất phải trả chỉ từ 1% đến 3%/năm, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù. Nghị định này được coi là “ cú hích” tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế biển theo chủ trương của Chính phủ.

Từ thực tiễn sản xuất theo hướng trang trại tổng hợp của một số hộ dân trên địa bàn, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã phát động phong trào cải tạo vườn đồi, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Lạng Sơn trồng trên 14.000ha ngô, tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Sơn, Cao Lộc, Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập…Các giống ngô được người dân lựa chọn trồng cho năng suất cao như ngô lai giống 999, 9698, C919, K54. Năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt từ 45 – 50 tạ/ha.