Đức Linh (Bình Thuận) Cho Vay Mua Bò Tự Chọn

Cho vay vốn để mua bò chăn nuôi là mô hình không mới nhưng cách làm mới ở Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Đức Linh (Bình Thuận) là để dân tự chọn bò trước rồi giải ngân là cách làm hay giúp dân thoát nghèo bền vững…
Thông tin Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam nâng mức cho vay hộ nghèo, cận nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng khiến dư luận rất quan tâm, nhất là nỗi vui mừng của những hộ nghèo và cận nghèo.
Vì sao họ mừng, bởi trước đây định mức cho vay 30 triệu đồng nhưng chưa có nhiều hộ được vay hết mức, đơn giản là các tổ trưởng và một số cán bộ liên quan chưa mạnh dạn cho vay hết mức vì sợ hộ nghèo… không trả nổi.
Mặt khác, phải nhìn nhận là hộ nghèo ít có phương án kinh doanh hay sản xuất, chăn nuôi… hiệu quả nên tâm lý e ngại vẫn còn cả người vay lẫn cho vay.
Vì vậy, định mức 30 triệu đồng nhưng đa phần chỉ vay ở mức 20 đến 25 triệu đồng/hộ. Một số dự án mà ngân hàng CSXH cho vay hết định mức và mang lại hiệu quả cao là ở Tân Hải, Tân Tiến (La Gi).
Cách đây chừng 6 năm, lúc ấy ông Nguyễn Thanh Tuyền - phụ trách Phòng Giao dịch ngân hàng CSXH, hiện là Phó giám đốc Ngân hàng CSXH Bình Thuận đã giúp dân vay vốn “cán đích” định mức để triển khai trồng thanh long. Chỉ 4 năm sau, nhiều hộ nghèo không chỉ thoát nghèo mà đã trở thành hộ khá. Và đến nay những hộ nghèo ấy đã giàu có tiếng trong vùng…
Trở lại Đức Linh, câu chuyện để dân tự chọn bò, ngân hàng và cán bộ sẽ giám sát và giải ngân với mức cho vay “hết” định mức quy định là cách làm hay khi đưa cho dân quyền tự quyết để thoát nghèo.
Trên thực tế, dự án của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đức Linh có trước khi định mức cho vay hộ nghèo, cận nghèo nâng từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng, lúc ấy Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đức Linh đã làm việc với các hộ dân là ngân hàng sẽ giải ngân 30 triệu đồng/hộ, dân thêm vài triệu đồng của mình tích lũy được để mua cặp bò sinh sản.
Nhưng hiện nay, định mức cho vay hộ nghèo, cận nghèo được nâng lên 50 triệu đồng/hộ đồng nghĩa với việc người nghèo ở Đức Linh có thêm cơ hội mua được 3 con bò.
Trên mặt lý thuyết, nếu biết chăm sóc để bò phát triển tốt thì khoảng 3 năm, người nghèo nuôi bò sẽ thu hồi vốn và có lãi số bò mẹ, năm thứ 4 họ sẽ thoát nghèo và cách thoát nghèo này mang tính bền vững khá cao như cách làm cho vay hết định mức của ông Nguyễn Thanh Tuyền trước đây .
Chị Phan Thị Ngọc Anh, hộ nghèo ở xã Sùng Nhơn đang đăng ký vay để mua bò, tâm sự: “Nếu vay 10 triệu đến 20 triệu đồng rất khó đầu tư có chiều sâu để thoát nghèo. Được UBND xã và Ngân hàng CSXH cho vay theo cách người dân tự chọn bò giống của người quen trong xã tôi rất an tâm và cơ hội thoát nghèo bền vững như đang hiện hữu cho những hộ nghèo, cận nghèo chúng tôi”.
Ông Lê Văn Nhị - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đức Linh cho biết: Hiện nay, dân nuôi bò sinh sản rất có hiệu quả kinh tế, ở Đức Linh nhiều hộ nghèo, cận nghèo tha thiết được vay đầu tư mua bò. Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đức Linh đã phối hợp với UBND xã Sùng Nhơn triển khai cho vay thí điểm ở 3 tổ/30 hộ. Nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình ra toàn huyện…
Cách làm mới còn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi hy vọng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đức Linh sẽ thành công khi dám sáng tạo và nhiệt huyết để giúp hộ nghèo, cận nghèo trong huyện tìm cách thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu…
4 tháng đầu năm 2014 Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đức Linh cho 3.362 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay 10 chương trình với tổng dư nợ trên 204 tỷ đồng, đạt gần 100% kế hoạch trên giao…
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với đề án phát triển nghề nấm của tỉnh Bắc Giang, năm 2013, Hội Nông dân huyện Sơn Động liên kết với Trung tâm Dạy nghề Anh Tuyết - Bắc Giang, Trung tâm Giống nấm tỉnh xây dựng mô hình trồng nấm ở 5 xã.

Hiện nay, giá dừa khô tăng mạnh, từ 80-85 ngàn đồng/chục (12 trái). Do giá dừa tăng và tương đối ổn định từ sau Tết đến nay, nên bà con trồng dừa rất phấn khởi.

Những tưởng cây thanh long ruột đỏ chỉ phù hợp với khí hậu ở miền Nam nhưng mấy năm trở lại đây loại cây này lại “bén duyên” với mảnh đất Chợ Đồn và bước đầu đã mang lại những hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận.

Cùng với nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, hiện nay cây cam đường canh đang giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Na Rì (Bắc Kạn) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 2004, Công ty DONA (ở Đồng Nai) hợp tác với Công ty Cà phê Phước An trồng xen canh 121 cây sầu riêng giống DONA-SR1 của Thái Lan vào vườn cà phê theo mật độ: Cây cách cây 9 mét và hàng cách hàng 9 mét. Sau 1 năm, công ty bán lại với giá 100.000 đồng/ cây.